Sau thời gian thí điểm tại chợ đầu mối Hóc Môn và truyền thống chợ Bến Thành; đến nay, tại 2 chợ này về cơ bản đã thực hiện sửa chữa, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất khu vực kinh doanh ngành hàng thịt heo và đáp ứng các tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm của dự án.
Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm tại TPHCM với mục tiêu xây dựng và phát triển mạng lưới chợ truyền thống đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố, đảm bảo an toàn sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng; nâng cao chất lượng phục vụ tại chợ, từng bước thực hiện văn minh thương mại phù hợp xu hướng hội nhập quốc tế và sự phát triển của thành phố; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong việc thực hiện kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm theo quy định của thành phố.
Với dự án này và từ kết quả thí điểm, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã có văn bản yêu cầu UBND 24 quận huyện làm việc và hướng dẫn các chủ đầu tư, hợp tác xã, ban quản lý chợ truyền thống trên địa bàn thực hiện việc sắp xếp và quy hoạch chợ đảm bảo các tiêu chí về kinh doanh thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định tại tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11856:2017 về cơ sở vật chất và kỹ thuật của chợ. Trong đó, tập trung điều kiện về kinh doanh, đảm bảo 100% hàng hóa thực phẩm kinh doanh tại chợ phải được truy xuất nguồn gốc. Từ đó, lựa chọn, tổ chức triển khai xây dựng ít nhất một chợ đúng chuẩn bảo đảm an toàn thực phẩm.
Việc triển khai bước đầu này là tiền đề để dần tiến tới tất cả các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM đều đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất bán buôn an toàn.