Chiều tối cùng ngày, đoàn có buổi làm việc với Tập đoàn Phát triển bất động sản FRASERS (có 20 năm kinh doanh tại TPHCM với một số dự án nổi bật như Me Linh Point) nhằm tìm hiểu cách thức quy hoạch, vận hành; mô hình hợp tác giữa các bên trong việc xây dựng, phát triển khu đô thị thông minh, sáng tạo.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Nhu cầu văn phòng cũng như nhà ở tại TPHCM tăng rất nhanh, giá bất động sản ở Thái Lan cao gần gấp đôi so với TPHCM, do vậy tập đoàn đầu tư sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường TPHCM. Việc xây dựng các dự án bất động sản nằm trong công viên của các trường đại học là ý tưởng rất tốt và có thể phát triển ở TPHCM. Đơn cử, Đại học Quốc gia TPHCM đang có sẵn đất sạch để tiếp nhận, triển khai các dự án tương tự như tập đoàn đang đầu tư ở thủ đô Bangkok.
Trong chuyến công tác lần này, đoàn mong muốn tìm hiểu kinh nghiệm quản lý nhà nước của Thái Lan trong quy hoạch đô thị, chống ngập và phát triển nhà ở xã hội. Đoàn đặc biệt quan tâm việc mời gọi các nhà đầu tư hợp tác với TP trong lĩnh vực chỉnh trang, phát triển đô thị trên và ven kênh rạch; phát triển nhà ở xã hội. Hệ thống sông, kênh, rạch vừa là mạng lưới giao thông đường thủy, vừa đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cảnh quan đô thị cho TPHCM và giải quyết tiêu thoát nước cho TP.
Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân về nhà ở xã hội, TPHCM khuyến khích sự tham gia, hợp tác của các nhà đầu tư nước ngoài. TP sẽ bố trí quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để phát triển nhà ở xã hội; bố trí ngân sách thực hiện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tạo quỹ đất sạch giao cho nhà đầu tư, cùng góp vốn với nhà đầu tư; rút ngắn thủ tục cho nhà đầu tư, thông qua cơ chế “một cửa liên thông điện tử” tại Sở Xây dựng.
TP cũng sẽ kiến nghị Trung ương sửa đổi hệ thống các quy định pháp luật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.