Bão số 10 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

TPHCM: Triển khai tất cả các phương án phòng ngừa

Nhiều nơi bị thiệt hại do mưa lũ
TPHCM: Triển khai tất cả các phương án phòng ngừa

(SGGP). – Sáng ngày 17-11, Thường trực Thành ủy và UBND TPHCM đã có buổi họp khẩn với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TP (BCH PCLB TP) nhằm bàn biện pháp đối phó với cơn bão số 10 và việc hồ Dầu Tiếng xả lũ với lưu lượng ngày càng cao.

Sau khi nghe các nơi báo cáo, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân chỉ đạo, triển khai tất cả các phương án phòng ngừa, tập trung lực lượng, phải làm hết sức và bằng mọi cách không để xảy ra những thiệt hại đáng tiếc do bão, lũ, triều cường... Lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm chính trên từng địa bàn. UBND TP chỉ đạo các sở ngành khẩn trương triển khai các phương án đảm bảo tính mạng con người.

Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, không được chủ quan, nhưng cũng không làm hoang mang người dân. Huyện Củ Chi phải theo dõi và phối hợp chặt với TP và đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng để có phương án xử lý kịp thời. Các địa phương còn lại như huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Gò Vấp, quận 12, 2, 7, 8, kể cả quận 1 rà soát kỹ, không được chủ quan.

TPHCM: Triển khai tất cả các phương án phòng ngừa ảnh 1

Công ty Quản lý và Khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM sử dụng 12 máy bơm công suất lớn, bơm giảm ngập cho khu vực khu phố 3-4-5 phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức. Ảnh: THÀNH TÂM

Trước đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua cho biết đã yêu cầu cấp ủy các địa phương, trọng tâm là những quận huyện ven sông Sài Gòn (lưu ý quận 12 và Bình Thạnh) chỉ đạo củng cố, gia cố bờ bao, vì xả lũ trong bối cảnh mưa tại chỗ, triều cường cao sẽ có nhiều bất lợi.

Ngay tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đã điện thoại chỉ đạo, cần chú ý việc xả lũ hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) và nhấn mạnh tình hình rất khẩn trương, các địa phương phải kiểm tra lại tất cả các phương án chủ động phòng chống.

Lúc 17 giờ ngày 17 -11, hồ Dầu Tiếng đã nâng mức xả lũ từ 150m³/giây lên 400m³/giây, thay vì 250m³/giây như thông báo trước đó. Như vậy, cùng với triều cường còn cao (trên 1,40m), việc xả lũ này sẽ làm nước sông dâng cao hơn, gây ngập trên diện rộng.

Chiều qua, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Tô Từ Nguyên cho biết, do bị vỡ và tràn đê, một số khu vực tại 2 xã Bình Mỹ và Trung An đã bị ngập từ 30 – 50cm, ảnh hưởng cục bộ đến vài trăm ha vườn cây ăn trái… BCH PCLB TPHCM cho biết, thông thường khoảng 1 ngày rưỡi sau khi hồ Dầu Tiếng xả lũ thì tác động đến TPHCM. 400m³/giây là mức xả khá lớn trong nhiều năm trở lại đây của hồ Dầu Tiếng, có khả năng làm nước sông dâng thêm vài cm, vì vậy, đặc biệt lưu ý khu vực Bình Mỹ, Trung An (Củ Chi), Nhị Bình (Hóc Môn), Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, An Thới Đông (quận 12)…

Trong ngày 17-11, mực nước triều cường chỉ ở mức 1,45m, nhưng vẫn còn gây ngập nặng ở nhiều quận, huyện. Trong đó, phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước (Thủ Đức) ngập nặng nhất. Do là ngày đầu tuần, lượng người đi làm đông nên đã xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng ở nhiều tuyến đường.

Cũng trong ngày 17-11, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua đã trực tiếp xuống Cần Giờ để chỉ đạo các phương án ứng phó với bão số 10. Chủ tịch Lê Hoàng Quân đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng, thanh niên xung phong cùng thanh niên huyện thực hiện nghiêm công tác di dời dân.

Ngay trong chiều 17-11, phải di dời ngay 2.700 dân vào nơi an toàn, đặc biệt người già, trẻ em, phụ nữ có thai. Lực lượng thanh niên xung phong, đoàn thanh niên tiếp nhận và hướng dẫn sắp xếp bà con ổn định tại 3 địa điểm tiếp nhận, chú ý đảm bảo tuyệt đối an toàn về vệ sinh môi trường, sức khỏe. Với tinh thần và trách nhiệm rất cao, tất cả mọi công việc di dời bà con đến 16 giờ đã hoàn tất.

C.Phiên – Q.Hùng


Nhiều nơi bị thiệt hại do mưa lũ

  • Phú Yên: 4 người chết; ĐBSCL: Học sinh được nghỉ học
TPHCM: Triển khai tất cả các phương án phòng ngừa ảnh 2

Lốc xoáy làm sập nhiều nhà dân ở xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa, Phú Yên.

Tính đến 16 giờ ngày 17-11, lượng mưa phổ biến trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận từ 80-150mm gây ngập úng nhiều khu vực dân cư và đất canh tác. Nước từ thượng nguồn đang đổ về rất nhanh. Nước lũ tràn qua quốc lộ 1A tại Km 1537 khu vực nhà máy gạch tuy- nen thuộc địa bàn xã Bắc Phong (huyện Thuận Bắc) gây ách tắc giao thông chiều 17-11. Toàn tỉnh có trên 135.000 học sinh thuộc 282 đơn vị trường học được nghỉ học tránh bão lụt.

Bão số 10 đổ bộ vào khu vực Khánh Hòa đã gây mưa lớn, gió mạnh nhiều thuyền nhỏ đã bị sóng đánh chìm tại nơi trú ẩn. Đến chiều 17-11, hầu hết nước các hồ đập trên địa bàn Khánh Hòa đang ở mức báo động khẩn cấp, phải xả lũ tối đa như: Hồ Suối Dầu 41,7/42,5m, hồ Cam Ranh 31,47/32m, Đá Bàn 59,2/63m, Am chúa 35/35,5m… gây dâng nước ở một số vùng hạ lưu.

Ngày 17-11, các xã ven sông Đa Nhim là Ka Đô, Lạc Xuân, Lạc Lâm và thị trấn Dran (Lâm Đồng) đã bị ngập lụt do hồ thủy điện Đa Nhim tăng mức xả lũ lên 200m³/s. Theo ông Hùng, nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài thì sẽ gây thiệt hại nặng cho những diện tích canh tác rau đang vào vụ thu hoạch ven sông Đa Nhim và thị trấn Thạch Mỹ. Lượng mưa bình quân trên địa bàn huyện đạt 50 – 60mm nên mực nước hồ thủy điện Đại Ninh đã đạt cao trình 1.040,777m, lưu lượng nước vào hồ khoảng 300m³/s.

Tại Phú Yên, lúc 14 giờ 17-11, một cơn lốc xoáy mạnh bất ngờ xuất hiện đã làm tốc mái hơn 40 ngôi nhà của người dân thôn Uất Lâm, xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa). Đồng thời, làm 1 người bị thương, đổ ngã nhiều cây cối, gây đứt và hư hại nhiều tuyến dây điện sinh hoạt trong vùng.

TPHCM: Triển khai tất cả các phương án phòng ngừa ảnh 3

Bão số 10 đi nhanh hơn và chệch hướng khá xa so với dự báo của ngành khí tượng thủy văn.

Trưa cùng ngày, 200m³ đất và đá núi đã sạt lở, vùi lấp tuyến đường sắt qua khu vực qua Đèo Cả (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa) tại Km 1227+400 và Km 1228+600. Vì vậy, tàu SE5 với 300 hành khách từ Hà Nội vào TPHCM đã phải dừng lại ở ga Tuy Hòa 3 giờ.

Đến hơn 16 giờ tuyến đường sắt mới được thông trở lại. Còn trên tuyến đường bộ qua Đèo Cả, có 8 điểm sạt lở kéo dài từ Km 1361 – Km 1366, gây cản trở giao thông. Trong khi đó, chuyến bay chiều 17-11 từ TP Tuy Hòa đi TPHCM có 11 hành khách cũng bị hủy do thời tiết xấu. Tính đến 17 giờ 30 ngày 17-11, tỉnh Phú Yên đã có 4 người chết do mưa lũ.

Từ đêm 15-11 đến chiều 17-11, 2 huyện Đông Giang và Tây Giang tỉnh Quảng Nam vẫn còn bị cô lập do tuyến đường ĐT604 – tuyến đường “huyết mạch” nối 2 huyện này với thành phố Đà Nẵng bị sạt lở nặng. Đến sáng 17-11, xe đào đất của Công ty Quản lý sửa chữa Công trình giao thông và Thoát nước Đà Nẵng mới đến được nơi tiến hành giải phóng mặt đường.

Hôm qua, các tỉnh ĐBSCL cũng tập trung triển khai đồng loạt các biện pháp phòng chống bão số 10 nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế tối đa các thiệt hại. Đến chiều tối ngày 17-11, công tác phòng chống bão được thực hiện đến tận cơ sở, lực lượng PCLB túc trực 24/24 để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu xảy ra… Toàn bộ học sinh được lệnh nghỉ học tránh bão, hàng chục ngàn hộ dân được di dời đến nơi an toàn…

Nhóm PV

(SGGP). – Hôm qua 17-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có quyết định trích 85 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách TƯ năm 2008 hỗ trợ cho các địa phương để khắc phục hậu quả cơn bão số 7 và mưa lũ. Số tiền này dành để hỗ trợ dân sinh, mua giống khôi phục sản xuất, khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm y tế, thủy lợi, giao thông vận tải nông thôn và vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Trong đó, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị mỗi tỉnh 15 tỷ đồng; Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận mỗi tỉnh 10 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định xuất cấp không thu tiền 3.700 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương để cứu đói kịp thời cho người dân bị thiệt hại do bão, lũ (gồm tỉnh Hà Tĩnh được phân bổ 3.000 tấn, Quảng Ninh 400 tấn và Quảng Nam 300 tấn gạo).

Nh.Hà

Tin cùng chuyên mục