Trả hồ sơ vụ cán bộ làm trái gây thiệt hại hơn 26 tỷ đồng

Sáng 1-6, liên quan đến việc bồi thường mặt bằng trong dự án thủy điện Đăkđrinh, gây thiệt hại hơn 26 tỷ, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định hoàn trả hồ sơ vụ án tiếp tục điều tra bổ sung, sau 12 ngày xét xử, kéo dài từ ngày 16-5 đến 1-6.

5 bị cáo trong vụ án là những cán bộ địa chính ở các xã, huyện Sơn Tây, phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến việc bồi thường mặt bằng trong dự án thủy điện Đăkđrinh, gây thiệt hại hơn 26 tỷ.

TAND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định hoàn trả hồ sơ vụ án tiếp tục điều tra bổ sung. Qua xét hỏi, tranh luận HĐXX nhận thấy một số chứng cứ quan trọng của vụ án không bổ sung tại phiên tòa sơ thẩm. Do vậy, HĐXX quyết định trả hồ sơ đối với 5 bị cáo để làm rõ chủ trương “quy về chủ cũ” thuộc trách nhiệm, chỉ đạo của đơn vị, cá nhân nào.

Trả hồ sơ vụ cán bộ làm trái gây thiệt hại hơn 26 tỷ đồng ảnh 1 Bị can Hà Văn Tiên tại phiên tòa. Ảnh: Nguyễn Trang
Theo cáo trạng, 5 bị cáo gồm Hà Văn Tiên (SN 1969, trú xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi); Nguyễn Anh Dũng ( SN 1956, trú xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi); Nguyễn Vỹ Cường (SN 1983, trú xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi); Lê Khắc Tâm Anh ( SN 1970, trú xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây); Trần Minh Việt ( SN 1986, trú xã Sơn Long, huyện Sơn Tây).

Thời gian tổ chức chỉ đạo và triển khai lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án thủy điện Đăkđrinh khu vực lòng hồ tại các xã Sơn Liên, Sơn Dung, Sơn Long (huyện Sơn Tây) diễn ra từ năm 2012-2014.

Trong quá trình chỉ đạo việc lập phương án bồi thường, ông Tô Cước (nguyên là Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, Chủ tịch Hội đồng bồi thường dự án thủy điện Đăkđrinh) là người chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, Tô Cước và Hà Văn Tiên biết rõ trong khu vực lòng hồ thủy điện Đăkđrinh có nhiều trường hợp mua bán đất không đúng quy định pháp luật như mua bán đất không có giấy tờ hợp pháp, các bên mua bán bằng giấy viết tay hoặc thỏa thuận miệng nên nếu đưa tên người nhận chuyển nhượng đất vào phương án bồi thường thì sẽ không được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.

Hà Văn Tiên đề xuất ý kiến khi lập phương án thì đưa tên người đã chuyển nhượng đất vào diện được bồi thường về đất, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi bị thu hồi (quy về chủ cũ) tại cuộc họp Hội đồng bồi thường có Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây dự họp. Theo lời khai của ông Tô Cước và Hà Văn Tiên thì chủ trương "quy về chủ cũ" đã được Bí thư Huyện ủy Đinh Kà Để và Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Phạm Tấn Hoàng đồng ý.

Sau đó, ông Tô Cước chỉ đạo thực hiện chủ trương này. Dù biết rõ chủ trương "quy về chủ cũ" là không đúng nhưng các bị can vẫn thực hiện chỉ đạo. Việc này, dẫn đến hậu quả làm thiệt hại tài sản Nhà nước với số tiền hơn 26 tỷ đồng.

Trả hồ sơ vụ cán bộ làm trái gây thiệt hại hơn 26 tỷ đồng ảnh 2 Hàng trăm người dân tham dự phiên tòa xét xử. Ảnh: Nguyễn Trang
Kết quả điều tra tại xã Sơn Dung (huyện Sơn Tây) đã xác định 37 người mua bán đất làm nghề buôn bán, làm cán bộ công chức….không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Tại xã Sơn Long (huyện Sơn Tây) đã xác định có 5 người đã mua 29 thửa đất của 15 người bán trước đó, những người mua đất đều là người buôn bán, giáo viên, sửa xe máy,…

Tại xã Sơn Liên (huyện Sơn Tây) xác định 22 người làm nghề buôn bán, cán bộ không sinh sống và không có hộ khẩu tại xã Sơn Liên.

Tham dự phiên tòa, ngoài 5 bị cáo, còn có sự tham gia của gần 200 người có quyền và nghĩa vụ dự phiên tòa.

Tin cùng chuyên mục