Trả lại môi trường sạch đẹp

Sau khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, công tác chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường được tập trung xử lý. Hiện các đơn vị thu gom rác đang vừa làm tốt nhiệm vụ vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch; các đội quản lý cây xanh cũng ra quân cắt tỉa nhành khô để đảm bảo an toàn trong mùa mưa…
Nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM đang cắt tỉa cây trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình)
Nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM đang cắt tỉa cây trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình)

Tất bật vệ sinh môi trường 

Sáng 6-10, tại các công viên Gia Định, Hoàng Văn Thụ, Lê Thị Riêng… công nhân vệ sinh liên tục quét rác, dọn dẹp, chăm sóc cây xanh, làm thông thoáng khu vực công cộng. Rác thải sinh hoạt ở khu dân cư trên địa bàn các quận: 3, 10, Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, TP Thủ Đức... được tổ chức thu gom, góp phần hạn chế nguy cơ gây lây lan dịch bệnh. Nhiều người dân cũng chủ động dọn dẹp vệ sinh nhà ở, ngõ hẻm, thậm chí mua chất sát khuẩn, khử trùng để vệ sinh tại gia đình, khu phố. Chị Vũ Thu Hằng, ngụ đường Quang Trung (phường 10, quận Gò Vấp), cho biết: “Sau khi TPHCM cho hoạt động trở lại một số lĩnh vực, công việc vệ sinh môi trường khu vực nơi tôi ở được chú ý hơn. Rác thải sinh hoạt của nhiều ca F0 đang cách ly và điều trị tại nhà được lực lượng chuyên trách thu gom, đem đi xử lý theo quy trình”. Ông Huỳnh Văn Phải, công nhân công ty thu gom rác ở quận Gò Vấp, chia sẻ: “Trung bình một ngày tôi đi thu gom rác 2-3 chuyến xe trong khu dân cư, bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng để đảm bảo an toàn vệ sinh trong khu dân cư. Việc giữ môi trường sạch sẽ, trong lành cũng góp phần phòng chống dịch bệnh lây lan”. Còn anh Nguyễn Hoàng, nhân viên đơn vị thu gom rác dân lập phường 13 (quận Tân Bình), tâm sự: “Lượng rác thải sinh hoạt thời điểm này tăng đáng kể nên công nhân vệ sinh môi trường càng phải làm việc thường xuyên để tránh tình trạng ùn ứ rác”.

Tuy nhiên, ở một số khu vực, địa phương, công tác vệ sinh môi trường vẫn chưa được quan tâm dọn dẹp. Khu vực dọc đường ray xe lửa theo đường Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) có nhiều bãi rác tự phát gần khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, kém mỹ quan đô thị. Cách đó không xa là đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, cũng rơi vào tình cảnh tương tự, nhiều bãi rác tự phát xuất hiện dày đặc hai bên đường, chủ yếu là rác thải sinh hoạt, túi ni lông, chai lọ… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Chú trọng chỉnh trang đô thị 

Ghi nhận các ngày qua, trên nhiều tuyến đường như Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, quận 3), Quang Trung (quận Gò Vấp), Ba Tháng Hai (quận 10)… các đơn vị chức năng cũng đã tăng cường chỉnh trang đô thị, cắt cành tỉa nhánh cây để tránh ngã đổ gây nguy hiểm người đi đường trong mùa mưa bão này. Anh Hà Minh Quân, nhân viên Công ty TNHH MTV Cây xanh TPHCM, đang chăm sóc cây xanh tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, cho biết: “Tôi bắt đầu đi làm lại từ ngày 1-10, sau thời gian giãn cách nên lượng công việc mấy ngày qua nhiều hơn. Công tác cắt tỉa, chăm sóc cây xanh phải thực hiện thường xuyên để môi trường trong lành, đảm bảo mỹ quan đô thị”. Dọc các tuyến đường Võ Văn Kiệt (quận 1), Phan Văn Trị, Quang Trung, Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp)… nhiều công nhân của Công ty TNHH MTV Cây xanh TPHCM đang tích cực chăm sóc cây xanh khu vực công cộng, tỉa nhánh cây cổ thụ. Tại công viên Bến Bạch Đằng (quận 1), sau nhiều ngày tạm ngưng, nay công nhân tiếp tục nâng cấp, cải tạo công viên. 

Dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, cuộc sống gần trở lại “bình thường mới” nên giữ gìn vệ sinh môi trường trong lành, mỹ quan đô thị là rất quan trọng, góp phần rất lớn phòng chống dịch. Do vậy, thành phố cần quan tâm phát triển thêm mảng xanh, chỉnh trang đô thị, nhất là ở khu vực đã được “trưng dụng” xây dựng các công trình hạ tầng giao thông.



Theo Đề án Phát triển công viên và cây xanh công cộng giai đoạn 2020-2030 được UBND TPHCM thông qua vào đầu năm 2021, trong 5 năm tới, thành phố tăng tối thiểu 150ha đất công viên. Diện tích công viên tăng 0,65m2/người. Những tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3m trở lên được trồng cây xanh. Đến năm 2030, đất công viên ở thành phố đạt 1m2/người, tăng 450ha so với năm 2020… Để đạt mục tiêu trên, Sở Xây dựng TPHCM cho biết sẽ rà soát toàn bộ khu đất được quy hoạch làm công viên trong các đồ án quy hoạch 1/500, 1/2.000 ở các quận, huyện. Tùy theo tính chất từng lô đất sẽ đề xuất lập dự án xây dựng hoặc kêu gọi đầu tư làm công viên. Những công viên công cộng có quy mô lớn (hơn 10ha) sẽ được khuyến khích xã hội hóa. Chủ đầu tư có thể xây dựng xen cài, khai thác các khu vui chơi có thu phí, nhưng phải có một phần diện tích làm công viên công cộng.

Tin cùng chuyên mục