Năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ xếp các video được làm giả dựa trên công nghệ Deepfake vào nhóm 5 nguy cơ gây mất an ninh toàn cầu. Nhiều chính trị gia, tỷ phú, người nổi tiếng thế giới đã là nạn nhân của Deepfake. Việc phát hiện những video Deepfake lừa đảo, có chủ đích xấu là việc vô cùng khó. Đến nay, thế giới cũng như ở Việt Nam không có cơ chế hay công nghệ nào ngăn chặn hiệu quả. Điều này thường chỉ diễn ra sau khi có nạn nhân lên tiếng, thông báo cụ thể về vụ việc, sản phẩm lừa đảo.
AI phát triển quá nhanh, các kỹ thuật mới được đưa ra mỗi ngày. Deepfake được tạo ra nhờ AI, giới bảo mật lại dùng công nghệ AI mới hơn để phát hiện Deepfake, tội phạm mạng rồi lại dùng công nghệ AI mới hơn để qua mặt những công cụ phát hiện này… Đó là một vòng tròn, cũng chính là mặt trái của công nghệ cao khi bị kẻ xấu lợi dụng.
Theo nhiều chuyên gia an ninh mạng, các nền tảng mạng xã hội nhiều người dùng như Facebook, YouTube... chính là nơi phát tán video Deepfake nhiều nhất. Vì vậy, chính các nền tảng mạng xã hội này có trách nhiệm phát hiện và thanh lọc trước tiên, ngay từ đầu vào, trước khi các video được xuất bản.
Về lý thuyết, một video Deepfake càng giống thật nếu có càng nhiều dữ liệu của nhân vật để mô phỏng và đưa vào video. Người dùng phải có trách nhiệm với chính mình, với cộng đồng, bằng cách hạn chế và cẩn trọng hơn khi đăng tải các thông tin cá nhân, cũng như khi tiếp cận các sản phẩm, ứng dụng số kiểu Deepfake. Cùng với đó là việc tự trang bị kiến thức nhận biết Deepfake xấu, lừa đảo; để tỉnh táo quyết định các hành vi, ứng xử của mình. Không ai và công nghệ nào thay thế được mỗi người dùng trong vấn đề này.