Trách nhiệm với cộng đồng

Mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford Said Business của Anh đã công bố kết quả khảo sát về quan điểm của những người trẻ đối với các hoạt động từ thiện. 2.000 người tham gia thuộc độ tuổi 18 - 32 là những người thành đạt, có vị trí cao trong xã hội. Điều bất ngờ là 2/3 trong số ấy cho biết họ không ngại dành một nửa thu nhập của mình cho những hoạt động thiện nguyện. Đặc biệt, nếu có doanh nghiệp riêng của mình, họ sẵn sàng gắn kết doanh nghiệp với các hoạt động hỗ trợ, phục vụ cộng đồng. Các chuyên viên xã hội học tham gia cuộc khảo sát này thông qua phân tích bảng trả lời đã đưa ra nhận định đầy lạc quan đối với thế hệ trẻ ngày nay: Họ luôn trăn trở và có ý thức rất cao trong việc đóng góp cho xã hội để tạo nên tương lai tốt đẹp hơn cho chính thế hệ của họ.

Từ trước đến nay, trên thế giới có nhiều cuộc khảo sát từng chỉ trích thái độ sống thờ ơ, dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội của lớp trẻ. Thế nhưng, cuộc khảo sát của Trường Oxford Said Business lại phản ánh chính xác mặt tích cực của thế hệ trẻ. Có đến 200 người tham gia khảo sát là những người đã từ bỏ công việc có mức lương đáng mơ ước để thành lập tổ chức từ thiện, kết hợp kinh doanh với việc dành lợi nhuận để làm từ thiện. Nhiều người trẻ tâm sự rằng họ đặt ra sứ mệnh cho cuộc đời mình là giúp đỡ cộng đồng đẩy lùi nạn đói và tình trạng thất nghiệp. Một số người khác thì quan tâm đến những vấn đề dân sinh trong cộng đồng.

Xu hướng sống với thái độ cởi mở, dành lại những thành quả mình đạt được để phát triển xã hội thời gian gần đây đã được nhiều doanh nhân trẻ lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Trong đó có câu chuyện của tỷ phú Mark Zuckerberg, nhà sáng lập ra mạng xã hội Facebook lớn nhất hiện nay, đã dành 1 tỷ USD cho các hoạt động từ thiện, nghiên cứu khoa học. Hay nữ tỷ phú Sara Blakely, nhà sáng lập và điều hành thương hiệu thời trang, đã dành nửa tài sản để làm từ thiện năm 2013.

Một trong những câu chuyện lập nghiệp tạo cảm hứng khi kết hợp được yếu tố kinh doanh và thiện nguyện là thương hiệu nhà hàng “Fifteen” của đầu bếp Jamie Oliver. Năm 2002, khi anh 27 tuổi, Jamie Oliver đã mở nhà hàng “Fifteen” đầu tiên ở London (Anh) sau một thời gian dài trăn trở làm sao tạo được sự nghiệp từ đam mê nấu ăn cùng với giải quyết được việc làm cho những người trẻ mà anh quen biết vốn là những người không có điều kiện hoàn thành việc học. Mô hình của “Fifteen” là tuyển dụng 15 người trẻ phải gián đoạn việc học để đào tạo họ thành những đầu bếp chuyên nghiệp. Thành công bước đầu đã khiến Jamie Oliver đẩy mạnh kêu gọi đầu tư mở rộng mô hình này. Anh đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá ở Anh vì đóng góp và tinh thần của “Fifteen” trong nỗ lực giải quyết việc làm cho nhiều lao động trẻ.

Ý thức phục vụ xã hội không chỉ có ở những tỷ phú thành đạt ở những thập niên trước như Warren Buffett hay Bill Gates. Nó đã dần trở thành mục đích kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trẻ trên thế giới, được xem là xu hướng tất yếu. Đây cũng là cách để doanh nghiệp tạo được sự khác biệt, thu hút được những khách hàng tiềm năng cũng là những cá nhân có ý thức phát triển cộng đồng.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục