Trách nhiệm với thân phận con người

Sau gần 7 năm bị giam giữ, cuối cùng anh Lê Bá Mai cũng được TAND tỉnh Bình Phước minh oan bằng bản án tuyên không phạm tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người”, trả tự do ngay tại tòa vào ngày 24-5.

Sau gần 7 năm bị giam giữ, cuối cùng anh Lê Bá Mai cũng được TAND tỉnh Bình Phước minh oan bằng bản án tuyên không phạm tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người”, trả tự do ngay tại tòa vào ngày 24-5.

Lần giở hồ sơ vụ án, giữa tháng 11-2004, anh Mai bị bắt giam do bị nghi ngờ là hung thủ giết chết em T.U. (SN 1993) sau khi thực hiện hành vi đồi bại với nạn nhân. Năm 2005, TAND tỉnh Bình Phước xét xử sơ thẩm và Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm đều tuyên anh Mai mức án tử hình.

Sau khi Viện KSND tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao tuyên hủy hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm và yêu cầu điều tra, xét xử lại vụ án. Nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng vẫn không làm rõ được những điểm nghi vấn, mâu thuẫn xung quanh vụ án.

Và tại phiên xử sơ thẩm lần này, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Phước một lần nữa đề nghị xử phạt anh Mai mức án cao nhất! Nhưng diễn biến tại phiên tòa cho thấy cơ quan điều tra đã không thực hiện đầy đủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự trong việc chứng minh tội phạm, chỉ căn cứ duy nhất vào lời khai nhận tội của anh Mai mà bỏ qua nhiều chứng cứ khác; đồng thời có nhiều vi phạm trong việc khám nghiệm hiện trường, thu giữ các dấu vết, vật chứng. Không có căn cứ vững chắc chứng minh anh Mai phạm tội, việc tòa án tuyên anh vô tội là điều hiển nhiên, khép lại một vụ án gây xôn xao dư luận suốt nhiều năm liền.

Những vụ án đã kết luận hoặc có dấu hiệu oan như trên không phải hiếm. Một trong những vụ án oan lớn nhất là “Vụ án vườn điều” ở tỉnh Bình Thuận. Sau 7 năm mang thân phận bị can, bị cáo, trải qua nhiều phiên xử sơ thẩm, phúc thẩm, cuối năm 2005 bà Nguyễn Thị Lâm và 7 thành viên khác trong gia đình mới được minh oan, được Cơ quan CSĐT Bộ Công an đình chỉ điều tra.

Hay vụ anh Nguyễn Minh Hùng hai lần bị TAND tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm tuyên mức án tử hình về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Chỉ đến khi tòa án cấp phúc thẩm lần thứ hai quyết định hủy án để điều tra xét xử lại, tháng 6-2008, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tây Ninh mới đình chỉ điều tra, trả tự do cho anh Hùng.

Vào tháng 3-2010, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đã phải tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra, truy tố, xét xử lại từ đầu vụ “con giết mẹ” tại tỉnh Vĩnh Long. Trước đó, cho rằng Huỳnh Văn Quyên đã cùng vợ là Lê Thị Tám giết chết mẹ mình, TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt Quyên tù chung thân, Tám 13 năm tù cùng về tội “Giết người”. Tuy nhiên tại phiên xử phúc thẩm, qua phần thẩm vấn cho thấy vụ án có nhiều sai phạm về tố tụng và về nội dung.

Nền tư pháp Việt Nam đang trong lộ trình cải cách với mục tiêu hướng đến việc củng cố, hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Nghị quyết số 49-NQ/TƯ ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 xác định: Tòa án là khâu trung tâm của quá trình cải cách tư pháp, hoạt động xét xử là khâu trọng tâm để xây dựng nền tư pháp vững mạnh. Tuy vậy, nếu vẫn để xảy ra tình trạng khởi tố, truy tố, xét xử oan sai - dù không nhiều - thì cải cách tư pháp thật sự không có ý nghĩa.

Đã có những trường hợp bị oan được bồi thường theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng nỗi đau mà họ và gia đình phải gánh chịu thì không gì có thể bù đắp được. Các cơ quan tiến hành tố tụng xin đừng vô trách nhiệm với thân phận con người. 

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục