Trải nghiệm cùng Waterbus

Xe buýt đường sông (Waterbus) trở thành một xu hướng mới trong sự phát triển của giao thông công cộng tại TPHCM. Dịp hè và cuối tuần, nhiều bạn trẻ và du khách đã chọn xe buýt đường sông để trải nghiệm… 

1. Đúng 8 giờ 30 phút sáng, hành khách tập trung tại sảnh chờ ở bến Bạch Đằng (quận 1) đi tuyến buýt sông số 1 (Saigon Waterbus) xuất phát từ bến Bạch Đằng. Dù là ngày trong tuần nhưng du khách từ Bắc vào Nam, từ trong nước đến ngoài nước đến trải nghiệm mô hình xe buýt đường thủy khá đông.

Hành khách thích thú trải nghiệm buýt đường sông trên sông Sài Gòn
Hành trình của xe buýt đường sông từ bến Bạch Đằng trên sông Sài Gòn (đoạn thuộc quận 1), qua kênh Thanh Đa đến sông Sài Gòn (đoạn thuộc quận Bình Thạnh) và đến bến Linh Đông (TP  Thủ Đức). Ngồi trong khoang thuyền, khung cảnh xung quanh rất đáng trải nghiệm so với đi phương tiện công cộng khác trên đường bộ. Ở phía xa bờ là khu thương mại mở rộng của thành phố, sau đó là cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn - một biểu tượng mới của TPHCM được nhiều bạn trẻ chọn làm điểm check-in mỗi dịp cuối tuần, tiếp đến là tòa nhà chọc trời Landmark 81 - tòa nhà cao nhất Việt Nam. Khi những dinh thự đồ sộ ven sông khuất tầm mắt, tuyến đường sẽ cắt qua kênh Thanh Đa và chuyến đi kết thúc tại bến cuối cùng ở bến Linh Đông. Toàn bộ chuyến đi dài 10,8km mất khoảng 45 phút. 


Dễ nhận thấy ngoài bến tàu thủy Bạch Đằng được bố trí quán cà phê, phục vụ đồ ăn nhanh và được đầu tư về không gian thì những bến còn lại vẫn còn hạn chế nhu cầu giải trí cho du khách ghé thăm. Chị Vũ Thị Thu Hương (28 tuổi, ngụ TP Hà Nội) cùng gia đình đang đi du lịch tại TPHCM và có dịp trải nghiệm xe buýt đường sông. Chị chia sẻ, cả gia đình rất thích thú, tuy nhiên ở những trạm dừng chân, chưa có nhiều điểm hấp dẫn như cửa hàng đồ ăn, thức uống hay đồ lưu niệm đặc trưng TPHCM…

Em Lê Nguyễn Gia Huy (18 tuổi, ngụ quận Tân Bình) vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT và có dịp đi chơi cùng nhóm bạn. Huy cho biết, là cư dân sống tại TPHCM nhưng đây là lần đầu tiên Huy có cơ hội trải nghiệm xe buýt đường sông. Cả nhóm bạn đều háo hức và trò chuyện vui vẻ khi ngồi trên thuyền xuất phát từ bến Bình An về Bạch Đằng. 

2. Trong nỗ lực khuyến khích giao thông công cộng, rõ ràng buýt đường sông là một giải pháp tốt. Không chỉ khuyến khích người dân TPHCM đến với loại hình công cộng mới mẻ này,  buýt đường sông còn là một cách làm thu hút khách du lịch các tỉnh thành và quốc tế về một loại hình mới, hứa hẹn mang nét đặc trưng của văn hóa sông nước Nam bộ. 

Chị Phạm Bích Hiền (28 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu), một du khách tham quan TPHCM, cho hay: “Mặc dù TPHCM rất đẹp và khang trang, nhưng tôi hơi e ngại đường sá ở đây, một phần vì kẹt xe và một phần không khí ô nhiễm, nên khi có cơ hội trải nghiệm thành phố bằng  buýt đường sông, tôi thấy trải nghiệm rất xứng đáng với thời gian bỏ ra”. Có thể thấy, dù là ngày trong tuần, nhưng lượng khách khá đông, hầu hết là khách du lịch trong nước và nước ngoài, những bạn trẻ đang trong kỳ nghỉ hè và người dân địa phương dẫn con cái đi trải nghiệm xe buýt đường sông. 

Tuy nhiên, để loại hình di chuyển này được nhiều bạn trẻ chọn, lại là câu chuyện đường dài. Anh Trần Nguyên Tài (24 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho rằng, đi chơi trên sông Sài Gòn là một trải nghiệm tuyệt vời, nhưng nếu muốn đi làm bằng buýt đường sông thì đây không phải là lựa chọn của mình. Để trải nghiệm Waterbus, anh Tài chạy xe máy từ Thảo Điền (TP Thủ Đức) đến bến Bạch Đằng. “Đi chơi thì được, để thành phương tiện công cộng chắc còn lâu lắm và giá cả cũng còn khá cao”, anh Tài cho hay.

Theo thống kê mới đây, bình quân mỗi tháng tại TPHCM có 30.000 phương tiện giao thông đăng ký mới, tức mỗi ngày có 1.000 phương tiện giao thông đăng ký mới. Việc sử dụng phương tiện công cộng đường sông là một lựa chọn giúp giảm thiểu sự ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thành phố. 

Buýt đường sông là sản phẩm du lịch riêng của TPHCM. Tuy nhiên, phương tiện này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương là làm phương tiện đi lại, như mong muốn ban đầu.

Hiện tại, chỉ có 5 trong số 12 trạm của Waterbus hoạt động. Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1, cho biết, lý do nhiều bến chưa được hoàn thành bởi công ty vẫn chưa được bàn giao đất để xây dựng bến nên chưa thực hiện xong công tác quy hoạch. Ở thời điểm hiện tại, Waterbus đang trong giai đoạn vừa vận hành vừa xây dựng. Ông Toản nhận định, khi nào dự án xe buýt đường sông được hoàn thành 100% thì mô hình này còn phát triển hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục