Trái ngọt trong vườn

Hà Nội khiến người ta nhớ với những mùa hoa xuống phố, hương sắc theo bàn tay người ướp trà, ủ rượu tạo thành thứ đặc sản trứ danh. Vẫn hương sắc ngọt lành theo mùa, nhưng miệt vườn Tây Nam bộ lại say lòng người với những mùa trái ngọt sum suê.
Mùa chôm chôm miệt vườn
Mùa chôm chôm miệt vườn

Trái chuối, trái dừa, cây ổi, cây cam dễ chịu đến độ, mùa nào trong năm cũng sẵn sàng kết trái. Nhưng vị ngọt đất phù sa phải kể đến những tháng hè, khi ngoài vườn, chôm chôm bắt đầu ửng vỏ, trái thanh trà trên cành vàng ươm, đám nhãn lúc lỉu thơm một góc vườn…

Đất phù sa cũng có những vựa hoa kiểng lớn trong cả nước, nhưng từ bao đời nay, người dân vốn quen với những chậu hoa ngày tết, bó bông chưng lên bàn thờ gia tiên, hơn là một lọ hoa nhỏ để trong nhà mỗi ngày. Cũng bởi thế mà hương sắc miệt vườn là ý chỉ những mùa trái ngọt trong năm.

Điều kiện địa lý ưu ái cho đất Chín Rồng thuận lợi để trồng cây ăn trái. Trái ngọt miệt vườn từ đây tỏa đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Vị ngọt từ đất phù sa, không chỉ dày công của nhà nông, mà còn chắt chiu những yêu thương tía má dành cho sắp nhỏ. Xong đợt thu hoạch, chút lời lãi má dành dụm để thằng Hai, con Út theo giấc mơ học hành nơi phố thị. Để mỗi bận xa quê nhớ nhà, hay những kỳ nghỉ hè, đám nhỏ gọi về nhà lại hỏi tía má: “Mùa này có chôm chôm chưa tía ơi?”.

Trái cây thì ở đâu cũng có thể tìm thấy, thậm chí người ta ngồi nhà nhưng vẫn đặt mua được những loại trái nhập khẩu, đáp ứng đủ tiêu chí ngon - độc - lạ. Trái ngọt miệt vườn không quá cầu kỳ hình thức, vị ngọt ấm ôm trong mình từ đất phù sa, mộc mạc bình dị như sông quê, nếp nhà. Nhưng một lần thử quýt Cái Bè, hay chôm chôm, măng cụt Cái Mơn, vị ngọt miệt vườn khiến người ta say lòng mãi, bởi những điều xa hoa, bóng bẩy khiến người ta choáng ngợp, nhưng hương sắc mộc mạc quê nhà mới là thứ ở lại trong lòng.

Nhiều năm nay, mùa trái ngọt đất phù sa còn là mùa du lịch, hít hà không khí mát rượi, ngồi ăn bữa cơm trong vườn xanh mát cây trái được nhiều người thích thú… Nhưng đâu đó, cũng có ý kiến khó chịu khi người ta bán vé vào tham quan vườn trái cây và quy định khách không được hái trái; nếu muốn hái trái phải chấp nhận một mức vé cao hơn. Câu chuyện này gây hụt hẫng cho nhiều người cũng là điều dễ hiểu, bởi tìm về những chuyến du lịch miệt vườn, ai mà chẳng đợi một ngày trải nghiệm như người nông dân.

Đất phù sa nuôi cây trái tốt tươi, vườn cây nối nhau một khoảng trời bất tận, nhưng cây trong vườn ra hoa đậu trái không chỉ mưa nắng hai mùa, phù sa vun bồi là đủ. Xứ nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, sâu bệnh hà rầm, trái muốn ngọt muốn ngon phải o bế từ khi cây ra hoa, chăm chút từng ngày mới đến mùa thu hoạch. Bởi thế mà không ai hiểu cây trong vườn bằng người nhà quê, khách ra vào mỗi người hái một trái thì vườn cây coi như xong, còn gì nữa mà thu hoạch. Nguồn huê lợi nhà nông chỉ có bấy nhiêu, cũng bởi thế mà người ta chăm chút, nâng niu từng cành từng lá.

Xa hơn một mùa hoa trái, là chút thành quả sau những ngày dãi dầu mưa nắng, là chút yêu thương góp nhặt và chút ngọt ngào để mai này dẫu trái lạ muôn phương, người ta vẫn nhớ hoài vị ngọt đất phù sa.

Tin cùng chuyên mục