Đối với lính bộ binh, chuyện đối mặt, đánh nhau trực diện với địch trên đường Trường Sơn là chuyện rất bình thường. Song, việc bộ đội công binh chuyên mở đường lại “tay đôi” với thủy quân lục chiến thiện nghệ của Mỹ, chắc chắn là cuộc chiến đấu không cân sức. Người tham gia trận đánh năm ấy, chiến sĩ Phạm Văn Hạnh (Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 4, Đoàn 559) nhớ và kể lại…
Chạm trán
Cuối năm 1968, đơn vị tôi từ Quảng Nam rút ra A Túc (A Lưới, Thừa Thiên - Huế) nhận nhiệm vụ mở đường. Chúng tôi đóng quân trên một vùng đồi thông đầy cỏ gianh bên sông Sê Pôn trong xanh, gọi là đồi Con Hoa.
Một buổi sáng đầu năm 1969, phát hiện ra bộ đội công binh, máy bay trinh sát của địch bèn gọi pháo đài bay B.52 đánh phá tơi tả đồi Con Hoa và cho trực thăng đổ xuống toàn thủy quân lục chiến thiện nghệ! Chúng tôi còn hơi băn khoăn bởi hầu hết anh em công binh chỉ quen với cuốc, xẻng và chưa bao giờ trực tiếp tham gia cầm súng đối đầu với địch thì chợt nghe mùi thơm của thuốc lá Ruby... Không thể lựa chọn, các đồng chí Lê Văn Bảng, Nguyễn Văn Lạc, Hoàng Quang Tích áp mình bò ra thì đụng ngay toán lính Mỹ lố nhố khá đông. Biết không cân sức nhưng thế nào cũng phải đụng độ, Bảng, Lạc, Tích chủ động nổ súng trước. Mấy tên Mỹ đổ gục ngay, số khác nằm bẹp xuống đất vớ súng bắn lại loạn xạ rồi rút chạy. Chốc lát sau, pháo địch bắn tơi tả vào địa điểm chúng tôi đang đóng quân để yểm trợ cho bọn thủy quân lục chiến tấn công.
Dưới hầm bí mật, chúng tôi nghe rõ tiếng động cơ máy bay OV.10 và một bầy máy bay “cán gáo” rà sát ngọn cây. Hé mắt nhìn lên, còn thấy rõ một trực thăng đang cẩu một khẩu pháo tìm bãi đáp. Quả là địch đang muốn chặt đứt đoạn đường mới mở và chôn sống bộ đội ta, nên từ cuối chân đồi, chúng cho súng cối bắn liên tục lên trên. Mặt đất bị cày xới ngổn ngang, nóng ran. Các vạt cỏ tranh, cỏ lau cháy trụi cuốn khói bụi mù mịt. Đang chỉ huy và động viên bộ đội công binh đánh trả, Chính trị viên Nguyễn Văn Thông của đơn vị bị một mảnh pháo chém ngang cổ. Anh ngã vật xuống, chết ngay trước mắt tôi mà không trăn trối được câu nào. Máu của anh tưới đỏ mặt đất nơi anh nằm, văng cả vào áo tôi… Tôi đã bật khóc, nhớ lời anh kể về người vợ trẻ và đứa con ở hậu phương. Lúc ấy là chiều 30 Tết.
Trút căm hờn
Lực lượng hai bên quá chênh lệch về số lượng lẫn vũ khí. Chúng tôi chỉ có súng AK nhưng phải đối đầu với một đoàn thủy quân lục chiến được trang bị vũ khí tối tân và có sự hỗ trợ của pháo, máy bay.
Sau một đêm nã pháo, sáng hôm sau, địch bắt đầu tiến công lên đồi. Cả đêm chong mắt cảnh giác, tôi vã nước vào mặt cho tỉnh, hứng thêm đầy bi đông và chuẩn bị chiến đấu. Một quả đạn nổ quá gần làm đất đá bay ràn rạt. Tôi nhảy nép vào một tảng đá to, lên đạn, chăm chú nhìn về phía trước. Khoảng vài phút sau thì có bóng người lấp ló rất gần, chỉ độ 20m. Tim tôi như ngừng đập vì tập trung cao độ và sợ bắn nhầm đồng đội nên vẫn phải im lặng quan sát… Thấp thoáng sau bụi cỏ trước mặt hiện ra khoảng dăm tên địch. Chúng đi lom khom rất nhẹ hướng về phía tôi và chỉ cách 7m. Cảm giác như tên lính đi đầu đã thấy mình, khẩu AK trong tay tôi giật rung liên hồi và rõ ràng là mấy tên gục xuống, miệng kêu ồ ồ như bò bị chọc tiết. Tôi đứng dậy bóp cò tiếp một lát thì súng bị tắc, đành rút nhanh về sau.
Địch định thần lại tràn lên. Thật may mắn, tôi gặp đồng chí Bảng. Anh bắn yểm trợ nên tôi có thời gian dùng cây thông nòng súng, dùng sức đóng từ trên xuống, viên đạn hóc mới văng ra ngoài. Mừng quá, lại bắn được rồi. Súng hai bên lại nổ chát chúa, rất gần nhau. Ngay sau đó, tận dụng địa hình có nhiều gốc cây, gò mối, gần 20 tay súng công binh phía ta đối đầu với khoảng 200 thủy quân lục chiến địch. Lúc này pháo địch không bắn nữa vì sợ bắn nhầm, nên hai bên đánh vỗ mặt nhau bằng súng AK và M16. Cứ mỗi đợt chúng tràn lên, chúng tôi lại xả súng đẩy lùi. Khi địch rút về sau để pháo binh bắn vào đội hình ta, chúng tôi lại tản ra sau các tảng đá lớn nên tránh được thương vong.
Thấy im tiếng súng, chúng tôi bò lên phía trước và nhìn xuống thì thấy 3 tên địch đang loay hoay dưới hố đạn pháo do chính chúng tạo ra. Đồng chí Tích bèn rút lựu đạn ra ném, cả 3 tên chết ngay tại chỗ. Cứ như vậy đến cuối ngày mồng 1 Tết, chúng tôi còn lại 12 người trong khi địch phải điều 2 máy bay đến mới chở hết xác lính tử trận. Sau trận chiến này, nhiều người trong số công binh chúng tôi được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”…
30 năm đã trôi qua, nhiều đồng đội trong số 12 bộ đội công binh còn sống sau trận chiến đấu ấy đã mất nhưng với tôi và những người còn sống, ký ức về một trận chiến không cân sức vẫn mãi không phai.
Minh Anh (ghi)