Thời gian gần đây, qua đường dây nóng, Báo SGGP nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về việc xuất hiện nhiều nhóm đánh bạc trên vỉa hè, góc đường, chợ, bến xe… tại khu vực nội thành TPHCM, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng văn minh đô thị.
Sát phạt công khai
Mỗi sáng, trên vỉa hè đường Điện Biên Phủ (đoạn gần vòng xoay Hàng Xanh, quận Bình Thạnh) thường thấy vài nhóm người đang tụm lại sát phạt. Người lớn chơi đánh bài ăn tiền, mỗi ván từ 20.000 - 500.000 đồng. Còn trẻ con chơi bầu cua cá cọp. Họ thản nhiên cờ bạc mà không lo sợ gì.
Buổi chiều, trên vỉa hè đường Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình) cũng tương tự. Nhiều người bán hàng rong cùng thanh niên làm nghề dán điện thoại tụ tập đánh bài ăn tiền. Kẻ thắng cười hớn hở, còn kẻ thua thì mặt tái như mất hồn. Chị Nguyễn Thị Định, ngụ ở gần đây, bức xúc: “Khi không có khách là họ xúm lại đánh bài ăn tiền, gây ồn ào. Nhiều người bán hàng rong thu nhập chẳng bao nhiêu mà cũng tham gia, bị tụi thanh niên lừa sạch tiền”.
Tại ngã ba Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây, dọc quốc lộ 1A qua địa bàn quận 12… cũng xuất hiện nhiều người chơi trò may rủi ăn tiền ngay trên vỉa hè. Đặc biệt, dưới các gầm cầu thường có những thanh niên cởi trần, xăm trổ đầy mình, đầu tóc nhuộm xanh đỏ, tụm nhau lại đánh bài ăn tiền.
Tại cầu Kênh Tẻ (quận 4) có một số quán nước vỉa hè chứa chấp các con bạc, khi công an phường xuất hiện thì người chơi tháo chạy hoặc giấu bài đi; khi công an đi khỏi, họ lại chơi tiếp.
Ngoài việc đánh bài ăn tiền, gần đây còn xuất hiện các tụ điểm đỏ đen dưới dạng đánh cờ tướng giải trí nhưng thực chất là sát phạt tiền, người chơi có thể mất từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Ngay từ sáng sớm, trên vỉa hè đường Lý Tự Trọng (phường Bến Nghé, quận 1) đã xuất hiện một người đàn ông tầm 45 tuổi luôn cầm bộ cờ tướng trên tay. Người này bày sẵn những quân cờ để thách đấu mọi người, giá tiền sẽ được thỏa thuận trước khi vào cuộc chơi. Chẳng mấy chốc đã hình thành một đám đông người, cả già lẫn trẻ, tập hợp lại để xem các “kỳ thủ” sát phạt.
Một người đàn ông chừng 40 tuổi thách đấu với số tiền 300.000 đồng/ván. Sau 2 ván thua, ông này bỗng bỏ đi và nói: “Mấy hôm nay thắng cũng nhiều rồi, hôm nay thua vậy cũng không sao”. Người này vừa bỏ đi thì liền có một thanh niên mặc đồng phục một trường đại học ngồi vào thế chỗ.
Tiềm ẩn nguy cơ tội phạm
Các “con bạc” thường là tài xế xe ôm, taxi, người bán vé số hay cả sinh viên. Nhìn chung họ là những người lao động không nhiều tiền. Thế nhưng, khi tham gia cờ bạc, họ sẵn sàng dốc đến đồng bạc cuối cùng. Tiền được chung sòng phẳng ngay sau khi kết thúc mỗi ván. Việc ăn thua đỏ đen không chỉ diễn ra giữa hai người chơi, mà những người xem bên ngoài cũng có thể cá tiền với nhau. Do số tiền cá cược bao nhiêu cũng được, nên nhiều người ban đầu bỏ ra vài chục ngàn, vài trăm ngàn đồng để thử vận may, dần dà rồi thành máu mê không bỏ được, có thể đánh cược đến bạc triệu.
Bạn đọc T.V.C., nhà trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) kể: “Tôi thường chứng kiến cảnh cãi vã, thậm chí là đánh nhau khi chơi bài xảy ra xích mích. Nhiều người thua hết tiền phải lột cả đồng hồ, điện thoại di động ra độ chơi tiếp nhưng hầu như đều bị mất trắng”. Thực tế cho thấy đã có không ít vụ cướp, án mạng, bạo hành gia đình, đánh nhau gây thương tích… có nguyên do từ việc sa vào cờ bạc.
Nhiều năm qua, công an và chính quyền các địa phương đã quan tâm thực hiện công tác lập lại trật tự dọc các tuyến đường, ngăn chặn tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường, đậu xe rước khách sai quy định. Tuy nhiên, lực lượng chức năng chưa để mắt đến những nhóm cờ bạc đỏ đen trên vỉa hè.
Do hoạt động nhất thời và tính chất ăn thua không lớn nên hầu như các cơ quan chức năng khi phát hiện các sòng bạc này chỉ nhắc nhở và xử phạt hành chính. Đây cũng chính là nguyên nhân cơ bản khiến kiểu đánh bạc này hoạt động ngày càng công khai.
Theo Điều 248 Bộ luật Hình sự quy định về tội đánh bạc: Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. |
PHAN ANH