Trăn trở chất lượng hàng Việt

Cộng đồng mạng lại xôn xao quanh báo cáo “Quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm ở Việt Nam - những thách thức và cơ hội” mới đây của World Bank (WB).

 Qua lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên tại các chợ bán lẻ ở TPHCM và Hà Nội, có 30% - 40% mẫu thịt heo bị nhiễm khuẩn, 76% gia súc được giết mổ tại các cơ sở nhỏ, điều kiện vệ sinh kém. Báo cáo lý giải, nguyên nhân nhiễm khuẩn bắt nguồn từ khâu giết mổ đến vận chuyển; lò giết mổ không an toàn và vận chuyển, bày bán trong điều kiện không kín và nhiệt độ bảo quản chưa đảm bảo...

Một thông tin khác từ ngành thú y, hiện có khoảng 20.000 điểm giết mổ nhỏ trên cả nước chưa được kiểm soát. Ngoại trừ các TP lớn tổ chức được các điểm giết mổ tập trung, còn lại vẫn là số cơ sở nhỏ, lẻ không đảm bảo điều kiện về vệ sinh, thiếu sự kiểm soát của ngành thú y... Góp phần làm “nóng” thêm nỗi lo an toàn thực phẩm, còn là câu chuyện tạm ngưng nhập khẩu thịt bẩn từ Brazil, nhưng trước đó, mấy tháng đầu năm, chúng ta đã nhập khoảng 3.000 tấn thịt gia súc, gia cầm từ nước này. Những thông tin này gây lo ngại trong cộng đồng, xói mòn lòng tin vào nguồn cung thực phẩm từ chính thị trường trong nước.

Câu hỏi đặt ra là cơ quan chức năng đã và sẽ làm gì để kiểm soát thực phẩm bẩn. Tất nhiên, lời khuyên tốt nhất cho các bà nội trợ lúc này là hãy trở thành người tiêu dùng thông minh, bằng cách vào các siêu thị mua thịt, rau sạch có gắn tem truy xuất nguồn gốc. Nhưng ngoại trừ các đô thị lớn có siêu thị để mua, gần 70% người dân ở các vùng nông thôn tìm đâu ra siêu thị! Mà có siêu thị, chưa chắc họ mua, do tập quán thích ăn heo nóng (thịt heo chưa cấp đông) vẫn là thói quen khó rời bỏ.

Gần đây, rất nhiều đoàn doanh nghiệp Anh, Canada, Mỹ... đến Việt Nam tìm đơn vị hợp tác đưa thịt sạch, khoai tây, hàng nông sản vào Việt Nam. Nếu đến châu Âu, nhiều người sẽ bất ngờ bởi giá thịt heo, thịt bò, gà... bán lẻ trong siêu thị chất lượng chuẩn EU, giá còn rẻ hơn và có loại chỉ ngang ngửa giá thịt bán lẻ ở Việt Nam. Ngay sát nước ta, nhiều công ty chế biến thực phẩm Thái Lan cũng đang từng bước mở rộng thị trường. Nhìn rộng ra, hàng Việt, nông dân Việt đang đối mặt với một cuộc cạnh tranh không dễ dàng trong bối cảnh hội nhập, khi cả ASEAN là một sân chơi bình đẳng cho hàng hóa từ khối cộng đồng chung. Nếu không nhanh chóng bắt đầu một cuộc cải cách quyết liệt từ tập quán, thói quen sản xuất, kinh doanh, trách nhiệm tự nguyện sản xuất hàng hóa an toàn cho thị trường trong cộng đồng doanh nhân, nông dân..., người tiêu dùng sẽ quay lưng với hàng nội địa.

Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu lớn hàng nông thủy sản, hàng gia dụng, may mặc... vào các thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Nhật Bản... với nhiều sản phẩm chất lượng, giá rẻ. Nhưng vì sao, hàng hóa tiêu thụ nội địa lại có vấn đề, khác hàng Việt dành cho xuất khẩu? Tư duy ăn xổi, môi trường kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh, là một trong những lý do khiến nhiều doanh nghiệp Việt chọn hàng loại 1 để xuất khẩu và chỉ làm hàng loại 2 giá rẻ cho nội địa. Cách nhìn nhận này đang tạo khoảng trống để hàng ngoại tràn vào sân nhà, và nguy hiểm hơn là đánh mất niềm tin người tiêu dùng với hàng Việt.

Nằm trong Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt giai đoạn 2014 - 2020, Bộ Công thương đang nỗ lực kêu gọi các địa phương nhân rộng mô hình “Điểm bán hàng Việt với tên gọi Tự hào hàng Việt” theo tiêu chí: đây là những điểm chỉ bán hàng Việt chất lượng, an toàn... Mục tiêu của đề án nhằm tăng thị phần hàng Việt có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa lên trên 80% và 100% vào năm 2020. Nhưng nỗ lực suốt 2 năm qua, chỉ có 40 cửa hàng dạng này hình thành trên cả nước. Vấn đề là có những địa phương hiểu chưa hết mục tiêu nên điểm bán hàng Việt trở thành điểm bán hàng đặc sản địa phương cho du khách. Những hoạt động nặng tính phong trào và hô hào này thực chất không còn phù hợp trong tình hình hiện nay. Hàng Việt, nông dân Việt, doanh nghiệp Việt đang cần những bước đi bài bản chiến lược hơn, quyết liệt làm sạch môi trường kinh doanh, hỗ trợ thực tế hơn các mục tiêu nâng cấp hàng Việt từ những đồng tiền thuế của dân.   

Tin cùng chuyên mục