
Thực hiện Chỉ thị 31/2005/CT-UB của UBND TPHCM, từ ngày 15-11 năm 2005, người dân thành phố không được nuôi gia cầm theo mô hình hộ lẻ. Nhiều hộ dân đành phải chia tay với đàn gia cầm, thủy cầm, điều này cũng có nghĩa hàng ngàn gia đình đang đứng trước nỗi lo làm gì để tạo nguồn thu nhập mới.
Băn khoăn nghề mới
“Sau hơn 1 năm chuyển từ nuôi vịt sang nuôi heo, hiện gia đình tôi đã có đàn heo 100 con nái, 800 con thịt. Năm rồi gia đình cũng thu hoạch trên 20 tấn cá. Nguồn thu từ heo, cá mang lại lãi ròng mỗi năm trên 200 triệu đồng”- anh Bùi Văn Hồng đứng giữa cù lao ấp Gò Công phường Long Thạnh Mỹ quận 9 sôi nổi cho biết. Mấy năm rồi do dịch cúm gia cầm nên việc chăn nuôi của anh chững lại, kinh tế gặp khó khăn.

Nhiều hộ ở quận 12 có thu nhập cao nhờ chuyển sang trồng rau. Ảnh: THÀNH TÂM
Năm 2004, đàn vịt gần 20.000 con đang khỏe mạnh nhưng buộc phải tiêu hủy, thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Sau cú sốc đó, anh chuyển sang nuôi heo và đã thành công. Thế nhưng, số hộ nuôi gia cầm mạnh dạn chuyển nghề và thành công lại không nhiều.
Cũng ở phường Long Thạnh Mỹ, anh Nguyễn Quang Dự ở số 80/416 tổ 14 ấp Long Hòa đã chuyển sang trồng hoa lan từ 3 tháng nay sau khi trại nuôi chim cút lấy trứng đóng cửa. Anh đã làm xong phần mặt bằng rộng 100m2, giàn trồng hoa đã được chuyển về nhưng nay chững lại vì thiếu vốn.
Anh Nguyễn Thường Luân, chủ trại gà, ở khu phố 4 phường Tăng Nhơn Phú A quận 9 cho biết, hơn 2 tháng nay, trại gà của gia đình anh bỏ không vì cúm H5N1. Bây giờ nuôi gà không được, gia đình đang phân vân chọn nghề mới để làm ăn sinh sống. Không riêng ở quận 9, những người dân chăn nuôi gia cầm ở huyện Hóc Môn cũng đang phân vân không biết chọn cây gì, con gì hay nghề gì cho thích hợp.
Ông Hoàng Văn Đình ở nhà số 4/1 ấp Nhị Tân 2 xã Xuân Thới Thượng, tâm sự: “Gia đình chuyển từ chăn nuôi gà sang trồng nấm mỡ gần một năm nay. Bước đầu do không nắm vững kỹ thuật nên sản lượng lúc cao, lúc thấp. Giờ nhờ nắm được kỹ thuật, đã có thu nhập nhưng để mở rộng lại khó vì thiếu mặt bằng, thiếu nguồn nước tưới”.
Thực tế hiện nay, nhu cầu chuyển đổi nghề của người dân nuôi gia cầm, thủy cầm rất lớn. Tại các quận, huyện vùng ven nhiều hộ nuôi gia cầm, thủy cầm có nhu cầu tìm nghề mới. Quận 9 có trên 900 hộ đăng ký tiêu hủy gia cầm, muốn chuyển nghề; huyện Hóc Môn có 100 hộ, có quy mô nuôi từ 100 đến 30.000 con và 5.775 hộ nuôi nhỏ lẻ dưới 100 con cam kết không chăn nuôi và chuyển đổi sang ngành nghề khác.
Thiếu vốn, thiếu kỹ thuật
Theo bà Đặng Thị Tuyết – Quyền trưởng Trạm thú y quận 9, do tốc độ đô thị hóa nhanh nên không riêng quận 9 mà các quận ven nội thành như Thủ Đức, quận 2, 12, Hóc Môn… đều khó tìm mặt bằng đủ rộng để xây dựng trại chăn nuôi gia cầm tập trung. Vì thế, người chăn nuôi tập trung cũng như nhỏ lẻ nên chuyển sang nghề khác.
Được biết, UBND TPHCM đã có chính sách hỗ trợ đối với những hộ dân nuôi gia cầm chuyển nghề như: người dân khi xây dựng cơ sở mới ở ngoài thành phố có nhu cầu vay vốn sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất; các hộ chăn nuôi chuyển đổi nghề được hỗ trợ mức lãi suất 6%/năm; nếu chuyển sang kinh doanh được cho vay từ 1 đến 10 triệu đồng, trong thời gian 24 tháng, mức lãi suất vay là 6%/năm; người lao động khi chuyển nghề, ngoài việc được tham dự các buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật, mỗi lao động được hỗ trợ 300 ngàn đồng/tháng và không quá 1,5 triệu đồng cho mỗi khóa học.
Một số người dân ở xã Nhị Bình huyện Hóc Môn cho biết, họ đang nóng ruột vì chưa biết phải làm nghề gì để ổn định cuộc sống.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Kinh tế quận 9, cho biết, quận đã tổ chức nhiều lớp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật về nuôi, trồng cho người dân, còn nhu cầu cụ thể như vốn, vật nuôi… thì khả năng đáp ứng còn hạn chế. Còn theo ông Trần Văn Lâu – Phó phòng Kinh tế huyện Hóc Môn, huyện đã xây dựng mô hình nuôi ếch Thái Lan tại xã Nhị Bình và trồng nấm mỡ ở ấp Nhị Tân 2 xã Tân Thới Nhì nhưng chưa thể triển khai ra diện rộng. Nghề mới đòi hỏi cần phải có vốn, kỹ thuật, thị trường.
Để giúp người dân chuyển nghề sau dịch cúm gia cầm, ngoài sự chủ động của mỗi người, của quận, huyện thì rất cần các sở, ban, ngành của thành phố tổ chức hỗ trợ vốn, giúp đỡ về kỹ thuật làm nghề mới cho người dân nhanh và hiệu quả nhất.
TRẦN YÊN