Tranh cãi về tính hiệu quả vaccine Covid-19

Các thông tin về vaccine Covid-19 của Hãng Pfizer bắt nguồn từ một video clip của ông Robe Roos, thành viên Nghị viện châu Âu đến từ Hà Lan, lập tức gây bão mạng suốt thời gian qua. Hãng tin AP và các nhà khoa học lên tiếng phản bác, cho rằng đây là thông tin không đúng ngữ cảnh, gây hiểu lầm.
Dòng tweet gây bão mạng của ông Robe Roos về vaccine Covid-19
Dòng tweet gây bão mạng của ông Robe Roos về vaccine Covid-19

Thông tin thiếu ngữ cảnh

Robe Roos đã viết trong một tweet lan truyền vào ngày 11-10: Trong phiên điều trần về Covid, Janine Small, Giám đốc thị trường quốc tế của Pfizer, thừa nhận: “Vaccine chưa bao giờ được thử nghiệm để ngăn ngừa lây truyền”. Khẩu hiệu Tiêm vaccine để bảo vệ mọi người là một lời nói dối. 

Cuộc trao đổi giữa ông R. Roos và bà J. Small trong clip diễn ra trong cuộc họp của Ủy ban đặc biệt về đại dịch Covid-19 thuộc Nghị viện châu Âu ngày 10-10. Video về cuộc họp này có sẵn trên trang web của Nghị viện châu Âu. Trong video, ông Roos hỏi: “Vaccine Pfizer đã được thử nghiệm để ngăn chặn sự lây truyền của virus trước khi đưa vào thị trường chưa? Nếu không, hãy nói rõ ràng. Nếu có, bạn có sẵn sàng chia sẻ dữ liệu với ủy ban này không?”. Bà J. Small trả lời: “Không. Chúng tôi đã phải thực sự di chuyển với tốc độ của khoa học để hiểu những gì đang diễn ra trên thị trường… Mục tiêu chính vaccine Covid-19 của Pfizer không phải là để ngăn ngừa sự lây truyền, cũng không phải là yêu cầu để được cấp phép ở cả Mỹ và châu Âu”. 

Tweet kèm theo video clip cuộc trao đổi giữa ông R. Roos và bà J. Small đã nhận được hơn 232.000 lượt thích, hơn 166.000 lượt chia sẻ chỉ trong ngày 11-10. Các bài đăng và chia sẻ trên các mạng xã hội khác về phiên điều trần gắn thẻ bắt đầu bằng #PfizerLiedPeopleDied và lan truyền chóng mặt. Các bài đăng khác của ông R. Roos được chia sẻ trên Twitter và Facebook cũng đưa ra tuyên bố với ngụ ý rằng, ban lãnh đạo Pfizer đã nói dối về thử nghiệm vaccine trước khi đưa thuốc ra thị trường. 

Các nhóm chống, hoặc hoài nghi về tính hiệu quả của vaccine có cơ hội “đục nước béo cò”, nhân đó tạo nên nhiều cuộc tranh cãi trên mạng xã hội, với làn sóng bình luận đổ lỗi cho chính phủ các nước đã phớt lờ tính hiệu quả của vaccine, cho phép sản xuất và lưu hành vaccine để trục lợi, thậm chí còn coi đây là vụ tham nhũng lớn nhất lịch sử với quy mô toàn cầu…

Hiểu lầm từ nhiều phía

Ngay sau đó, các hãng tin, truyền thông, báo chí thế giới vào cuộc và cho rằng, thông tin trong video clip thiếu ngữ cảnh, dẫn đến sự sai lệch, hiểu lầm. Theo AP, sự hiểu lầm một phần đến từ phía giới chức Chính phủ Mỹ khi họ khẳng định vaccine Covid-19 ngăn ngừa sự lây lan. Ví dụ, trong một bài phát biểu vào tháng 10-2021 tại Illinois, Tổng thống Joe Biden nói: “Chúng tôi đảm bảo rằng nhân viên y tế được tiêm chủng vaccine Covid-19, vì nếu bạn tìm kiếm dịch vụ chăm sóc tại một cơ sở y tế, bạn nên chắc chắn rằng những người cung cấp dịch vụ chăm sóc đó không bị Covid và không thể lây lan cho bạn”.

Trong khi đó, hãng Pfizer cho biết, chưa bao giờ tuyên bố thử nghiệm lâm sàng của họ đánh giá tác động của mũi tiêm đối với sự lây truyền. Trên thực tế, không lâu trước khi phát hành vaccine, Giám đốc điều hành Albert Bourla đã nhấn mạnh rằng, điều này vẫn đang được đánh giá. Một nghiên cứu được Pfizer và nhà sản xuất BioNTech của Đức tài trợ, được công bố trên Tạp chí Y học New England vào ngày 10-12-2020, một ngày trước khi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 của Pfizer, cho biết, không có dữ liệu về hiệu quả của vaccine trong việc giảm sự lây truyền của virus. Thay vào đó, báo cáo nói rằng, hai liều vaccine cung cấp khả năng bảo vệ 95% chống lại việc mắc Covid-19 có triệu chứng ở những người từ 16 tuổi trở lên. Giám đốc A. Bourla cũng nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12 với NBC News: “Tôi nghĩ đây là điều cần được kiểm tra, chúng tôi không chắc chắn về điều đó lúc này”. 

Trong thông cáo báo chí ngày 11-12-2020 về việc cho phép vaccine Covid-19 của Prizer, FDA cũng tuyên bố: “Tại thời điểm này, dữ liệu không có sẵn để đưa ra quyết định về việc vaccine sẽ cung cấp sự bảo vệ trong bao lâu, cũng như không có bằng chứng cho thấy vaccine ngăn ngừa lây truyền SARS-CoV-2 từ người sang người”. Hãng AP cũng phỏng vấn từ cả Hãng Pfizer và ông R. Roos. Người phát ngôn của Pfizer viết trong email trả lời: “Việc chống lây lan không phải là mục đích của thử nghiệm”. Còn ông R. Roos cho biết, ông không nói về Pfizer mà là về nhiệm vụ của chính phủ đối với vaccine Covid-19. “Tôi rất coi trọng các quyền cơ bản… Mọi người cần có bằng chứng để chứng minh sự cần thiết của vaccine”, ông Roos viết trong một email.

Mặc dù vaccine không chống lây lan, nhưng có thể giúp ích. Các nghiên cứu được thực hiện sau khi bắt đầu phân phối vaccine Covid-19, bao gồm cả nghiên cứu của Pfizer, đã phát hiện ra rằng loại vaccine của công ty làm giảm các trường hợp nhiễm trùng không có triệu chứng ngoài các trường hợp có triệu chứng với các biến thể trước đó của virus. Các nhà nghiên cứu ở Vương quốc Anh đã báo cáo trong một nghiên cứu quan sát rằng vaccine của Pfizer đã giúp cắt giảm sự lây truyền của các biến thể Alpha và Delta. Tiến sĩ Walter Orenstein, Phó Giám đốc Trung tâm Vaccine tại Đại học Emory, bang Georgia, Mỹ, phát biểu, việc Pfizer không đề cập đến tác động của vaccine đối với sự lây truyền trong quá trình thử nghiệm lâm sàng không phải là bất thường, bởi vì sự lây truyền phụ thuộc vào nhiều yếu tố khó lường.

Theo AP, các chuyên gia khẳng định, mặc dù vaccine Covid-19 ít khả năng chống lây nhiễm với biến thể Omicron, nhưng chúng vẫn có tác dụng giảm hậu quả nghiêm trọng. Tiến sĩ Paul Offit, thành viên của Ủy ban tư vấn về vaccine và các sản phẩm sinh học có liên quan của FDA, giải thích, mặc dù vaccine cung cấp các kháng thể trung hòa, giúp chống nhiễm trùng, nhưng những loại kháng thể đó sẽ nhanh chóng biến mất. Khi tiêm một loại vaccine làm giảm rõ ràng khả năng nhiễm bệnh thì nó cũng làm giảm cơ hội lây lan cho người khác. Ông P. Offit nói: “Nhưng nó không phải là tuyệt đối”, và rằng việc công bố về vaccine lẽ ra phải tập trung vào lợi ích cốt lõi là giảm hậu quả nghiêm trọng chứ không phải là ngừa lây lan.

Tin cùng chuyên mục