Tránh để vỉa hè là nơi kinh doanh kiểu “xóa đói giảm nghèo“

Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng nêu ví dụ, có nhiều chỗ bán xôi hay bánh mì chỉ 1, 2 tiếng đồng hồ buổi sáng nuôi sống cả gia đình, vì vậy phải có giải pháp thấu đáo cho họ.
Đường Lê Thánh Tôn trở nên thông thoáng hơn cho người đi bộ. Ảnh: VÕ THẮM
Đường Lê Thánh Tôn trở nên thông thoáng hơn cho người đi bộ. Ảnh: VÕ THẮM

Chiều 24-5, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi làm việc với các sở, ban ngành cùng các quận, huyện về công tác chấn chỉnh lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn TP.

Tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Ban An toàn giao thông TPHCM Nguyễn Ngọc Tường cho rằng, tình hình trật tự lòng lề đường thời gian gần đây có nhiều chuyển biến đáng kể so với trước, nhiều tuyến đường thông thoáng hơn.

Nhiều quận, huyện đã tập trung chỉ đạo, ra quân thường xuyên nên tạo được sự chuyển biến bước đầu… Trong đó, cuộc ra quân quyết liệt của quận 1 đã tạo sức lan tỏa đến hầu hết các quận, huyện khác trên địa bàn TP. Nhiều địa phương thực hiện nhiệm vụ quyết liệt, không ngại đụng chạm, khó khăn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Tường cũng chỉ ra nhiều địa phương chưa duy trì, giữ vững sau khi ra quân lập lại trật tự vỉa hè; tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường, các chợ tự phát vẫn còn; nhiều tuyến đường xe đậu dưới lòng đường, gần các siêu thị, trung tâm tiệc cưới... Đơn cử như các tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa, Phạm Văn Đồng, song hành QL22… đang bị các quán nhậu lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường nghiêm trọng.

Nguyên nhân là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng tại địa phương chưa cao, đặc biệt tại những khu vực giáp ranh giữa các phường, các quận. Lãnh đạo nhiều quận, huyện chưa chỉ đạo quyết liệt, chưa có giải pháp giao nhiệm vụ cụ thể và kiểm điểm cấp phường không thực hiện tốt trong việc lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè.

Qua kiểm tra 186 tuyến đường trọng điểm thuộc 24 quận, huyện của TP có 85 tuyến đường chuyển biến tốt, vỉa hè thông thoáng; 86 tuyến đường cho kinh doanh theo giới hạn vạch sơn, còn lối đi cho người đi bộ; 15 tuyến đường còn tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Ngoài ra, còn có khoảng 130 tuyến đường không có vỉa hè nên tình trạng dừng, đậu xe dưới lòng đường gây cản trở giao thông.
Ông Nguyễn Ngọc Tường đề nghị không cấp hoặc cương quyết rút giấy phép các trường hợp sử dụng vỉa hè không đúng quy định (các bãi giữ xe). TP sớm có chủ trương chính sách an sinh cho người bán hàng rong, bổ xung nguồn kinh phí cho lực lượng trật tự đô thị ở các địa phương để đảm bảo công tác kiểm tra xử lý vào các ngày nghỉ.

Tại cuộc họp, nhiều quận, huyện cho rằng: Tiếp tục xây dựng kế hoạch đề xuất các giải pháp sâu hơn; kiên trì ra quân, tập trung tuyên truyền; tổ chức lại lao động các hộ cận nghèo; giám sát các tuyến đường, vỉa hè; kiểm tra lại tính pháp lý để tiến tới xử lý những điểm còn bất cập như bãi giữ xe...; kiểm điểm đối với lực lượng thực hiện công tác chưa nghiêm; tập trung giải quyết căn cơ chứ không ra quân dàn trải như trước đây.

Liên quan đến sai phạm trong việc chấn chỉnh trật tự đô thị, Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho biết, đang xem xét khuyết điểm Đội Quản lý trật tự đô thị, kiểm điểm một phó chủ tịch phường.

Sau khi nghe các quận, huyện nêu một số khó khăn trong quá trình thực hiện chấn chỉnh lòng lề đường, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong biểu dương công tác lập lại trật tự đô thị thời gian qua của các quận, huyện đã đạt được kết quả nhất định, dù còn nhiều tồn tại.

"Chúng ta phải xác định việc này không phải làm một vài ngày là có kết quả, cũng đừng cao hứng quá rồi cuối cùng làm không được thì mất uy tín với dân", theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết liên tục nhận được tin nhắn của người dân phàn nàn về việc vỉa hè bị tái chiếm, vì vậy, yêu cầu 24 quận, huyện phải tiếp tục lập lại trật tự vỉa hè. "Phải làm từ việc nhỏ, nếu việc nhỏ mà làm không được thì khó có thể làm được việc lớn. Đã làm thì phải làm quyết liệt và nghiêm, tránh để vỉa hè là nơi kinh doanh theo kiểu xóa đói giảm nghèo". 
Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý các địa phương có đặc thù khác nhau, quận 1 khác với huyện Củ Chi, quy hoạch của TP cũng chưa chuẩn so với quy hoạch đô thị, công tác quản lý cũng còn bất cập nên cần linh hoạt trong các giải pháp...
Đồng chí Nguyễn Thành Phong nêu ví dụ, có nhiều chỗ bán xôi hay bánh mì chỉ 1, 2 tiếng đồng hồ buổi sáng nuôi sống cả gia đình, vì vậy chúng ta phải có giải pháp thấu đáo cho họ. Giải pháp của chính quyền phải hết sức căn cơ, chứ không phải cứ dùng biện pháp hành chính thì giải quyết được vấn đề. Chính vì thế, địa phương phải tính toán thật kỹ các giải pháp nhằm chia sẻ với bà con trước khi xử lý.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng: Công tác quản lý vỉa hè đã có nhiều tồn tại từ lâu. Trước đây, cũng ra quân nhiều lần nhưng sau đó mọi chuyện lại như cũ nên lần này làm, chúng ta phải kiên trì và quyết tâm. Không phải ban đầu phát động mạnh mẽ nhưng không đeo bám để rồi đâu lại vào đấy. Quận, huyện nào đã làm tốt thì không được để tái lấn chiếm, sau đó tổ chức lại kinh tế vỉa hè chứ không phải thấy ổn rồi thôi.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong đề nghị Ban An toàn giao thông TP ba tháng họp một lần về những vấn đề các quận, huyện chưa thực hiện được để cùng nhau đưa ra giải pháp. Các sở ngành có khó khăn gì thông tin cụ thể để UBND TP xử lý. Quyết tâm chấn chỉnh, kiên trì đeo bám chỉ đạo quyết liệt đến nơi đến chốn, cùng cam kết thực hiện vấn đề này đến cùng!

Tin cùng chuyên mục