Tranh luận lần 2 bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Vẫn chưa có sự khác biệt

Ngày 16-10 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump và ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden tranh luận trên sóng truyền hình trực tiếp trong các phiên hỏi - đáp riêng rẽ với cử tri. Theo CNN, kết thúc phiên tranh luận lần 2, cả hai ứng viên vẫn chưa đưa ra được chính sách rõ ràng của mình.
Cuộc tranh luận giữa 2 ứng viên Tổng thống Mỹ được phát sóng trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình ở Florida Ảnh: REUTERS
Cuộc tranh luận giữa 2 ứng viên Tổng thống Mỹ được phát sóng trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình ở Florida Ảnh: REUTERS

Tương phản chưa rõ rệt

Tại hai sự kiện riêng rẽ, 2 ứng cử viên trả lời các câu hỏi của các cử tri từ khắp bang Florida và Pennsylvania. Ngoài ra, 2 người điều hành chương trình, bà Savannath Guthrie, người dẫn tin tức buổi sáng của chương trình Today thuộc NBC News và ông George Stephanopoulos, người dẫn chương trình Good Morning America và This Week của ABC cũng đưa ra các hướng dẫn thảo luận và tập hợp thêm các câu hỏi của cử tri. 

Việc tổ chức sự kiện cùng một khung giờ khiến cử tri Mỹ không thể theo dõi trực tiếp phần hỏi - đáp của cả hai ứng cử viên. Theo đánh giá của New York Times, dù 2 ứng cử viên chi nhiều tiền để tạo sự khác biệt trên các phương tiện truyền thông khác nhau, nhưng họ vẫn chưa tạo ra tương phản rõ rệt giữa phong cách cá nhân và cách tiếp cận của họ đối với những cử tri giữa 2 kênh. Ngay khi cuộc hỏi - đáp tại Florida bắt đầu, bà S.Guthrie hỏi ông Donald Trump về thời gian ông mắc Covid-19 cũng như các triệu chứng mà ông trải qua và quan điểm phòng bệnh của ông sau thời gian này. Tổng thống Donald Trump khẳng định ông không có vấn đề gì đối với việc đeo khẩu trang và cũng khuyên người dân nên đeo khẩu trang. 

Với mong muốn thu hút các cử tri lớn tuổi của Florida, ông Joe Biden nói với đám đông những người cao tuổi về việc họ không thực sự được Tổng thống Donald Trump coi trọng và “có thể bị quên lãng”, đồng thời tiếp tục chĩa mũi nhọn vào cách thức mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump ứng phó với đại dịch Covid-19 cùng một số vấn đề gây tranh cãi khác. Tiếp đó, ông khẳng định nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ cử người tới Trung Quốc để cập nhật thông tin về virus SARS-CoV-2. Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên Joe Biden sẽ có cuộc tranh luận tiếp theo vào ngày 23-10 tới.

Cuộc đua tỷ USD

Chi phí cho bầu cử tổng thống Mỹ năm nay đang tăng chóng mặt, theo ước tính của Trung tâm Phản ứng chính trị, tổng số tiền chi cho các cuộc bầu cử liên bang có thể lên tới gần 11 tỷ USD. Cả Tổng thống Donald Trump, cựu Phó Tổng thống Joe Biden và các đồng minh có khả năng chi hơn 5,1 tỷ USD để vận động cho cuộc đua vào Nhà Trắng. Tính đến cuối tháng 8 vừa qua, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã huy động được gần nửa tỷ USD. Từ đó đến nay, Ủy ban quốc gia của đảng Cộng hòa và các ủy ban gây quỹ khác đã tích lũy thêm hàng trăm triệu USD. Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden và Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ huy động được 383 triệu USD chỉ riêng trong tháng 9, lập kỷ lục mới sau con số ấn tượng 364 triệu USD ghi nhận ngay trong tháng trước đó.

Dù vẫn còn 3 tuần nữa mới tới ngày bầu cử chính thức 3-11, nhưng việc bỏ phiếu đã diễn ra  tại nhiều bang trên khắp nước Mỹ với số lượng cử tri đi bỏ phiếu sớm trực tiếp và bỏ phiếu qua bưu điện đạt mức kỷ lục. Theo số liệu từ Tổ chức US Elections Project, tổng cộng đã có hơn 17,8 triệu người Mỹ bỏ phiếu qua thư hoặc trực tiếp, tương đương với gần 13% tổng số người Mỹ đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Tỷ lệ cử tri đi bầu sớm cũng đạt mức cao ấn tượng tại những bang chiến địa. Ở bang Texas, hơn 1 triệu cử tri đã xếp hàng bỏ phiếu sớm ngay trong ngày đầu tiên hôm 13-10. Tại Florida, hình thức bỏ phiếu sớm trực tiếp chưa diễn ra, song đã có hơn 2 triệu cử tri gửi lá phiếu qua bưu điện.

Tin cùng chuyên mục