Tránh vết xe cũ

Trở lại giai đoạn 1998-2000, TPHCM đã triển khai chương trình cai nghiện tại cộng đồng, gia đình. Tuy nhiên, kết quả có đến 99% tái sử dụng ma túy. Mọi việc được vãn hồi khi năm 2003-2008, thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện (Nghị quyết 16/2003), TP tập trung cai nghiện cho trên 30.000 người. Đến nay, trong số gần 12.000 người tái hòa nhập cộng đồng được theo dõi, giúp đỡ thì tỷ lệ tái nghiện còn gần 23%.

Giờ đây, cai nghiện tập trung được duy trì với quy mô hạn chế; TP chuẩn bị tăng cường cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Điều này dấy lên nhiều lo ngại bởi môi trường TP vẫn chưa “sạch” khi còn khoảng 50 tụ điểm “nóng” về ma túy cần tiếp tục chuyển hóa. Trong khi đó, cơn lốc “hàng đá” đang tấn công giới trẻ đến nay vẫn chưa có phác đồ điều trị.

Theo Nghị định 94/2010, chính quyền xã, phường, thị trấn sẽ tổ chức các hoạt động cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; từ điều trị cắt cơn, giải độc đến quản lý, giám sát, giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách và dạy nghề, tạo việc làm cho người cai nghiện. Đồng nghĩa, nhiệm vụ nặng nề được đặt lên chính quyền cấp xã, phường vốn vừa yếu vừa thiếu về nhân lực lẫn cơ sở vật chất…

Trước quá nhiều thách thức, công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng thời gian tới sẽ rất gian nan. Cùng với sự thận trọng, đòi hỏi TP phải có những giải pháp đột phá và được thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ nhằm tránh… bước vào vết xe cũ trong giai đoạn 1998-2000.

Mạnh Hòa

Tin cùng chuyên mục