Trật tự mới ở Trung Đông

Kết thúc chuyến thăm của Tổng thống Iran Hassan Rouhani đến Nga vào cuối tuần qua, một loạt biên bản ghi nhớ về hợp tác khai thác các mỏ dầu khí giữa hai nước đã được ký kết. Bên cạnh sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, trong tuyên bố chung sau khi kết thúc cuộc hội đàm song phương ngày 28-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Iran khẳng định quyết tâm hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chú trọng tăng cường vai trò điều phối của Liên hiệp quốc (LHQ), tôn trọng chủ quyền của những quốc gia đang là nạn nhân trực tiếp của các cuộc tấn công khủng bố, tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động của LHQ theo hướng này...

Diễn biến cuộc gặp lần thứ 8 trong vòng 4 năm qua giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Iran được thế giới đặc biệt quan tâm, bởi tình hình Syria và Trung Đông đang có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là Syria đang bước sang giai đoạn mới. Theo bình luận của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), việc Nga và Iran tăng cường hợp tác thời gian gần đây là dấu hiệu cho thấy một trật tự mới đang được hình thành ở khu vực Trung Đông. Theo IISS, cuộc gặp giữa ông Putin và ông Rouhani một lần nữa sẽ làm dấy lên những tranh luận về bản chất thật sự về mối quan hệ sau thời kỳ Chiến tranh lạnh giữa Mátxcơva và Tehran.

Chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Nga của Tổng thống Rouhani diễn ra trong bối cảnh trong vài năm qua hai nước đã phối hợp rất chặt chẽ và hiệu quả nhằm góp phần giải quyết điểm nóng Syria, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 6 năm qua tại nước này. Trong khi Iran tìm cách củng cố quan hệ với nhóm Hezbollah và lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shi’ite thì Nga vẫn muốn duy trì vị thế vượt trội tại Syria, bằng cách bảo vệ các thể chế của chính quyền Syria và không ủng hộ các nhóm trên. Theo các nhà phân tích phương Tây, Nga không quan tâm đến việc trở thành đối tác “dưới kèo” với Mỹ trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, mà chỉ muốn duy trì quan hệ đối tác với Iran, trong đó có vẻ như Nga có lợi thế. Iran dù sao cũng có tiếng nói trong khu vực với lịch sử của riêng mình, trong khi Nga là một cường quốc địa chính trị lớn liên khu vực, với những mối liên kết qua lại. Qua việc duy trì sự lãnh đạo của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Nga đã giúp Iran duy trì thế kháng cự vững chắc với Israel và Mỹ. Còn với Nga, Iran là đồng minh chính trị quan trọng, chìa khóa trong chiến lược dài hạn giúp Nga trở thành người chơi chính tại Trung Đông. Chỉ riêng trong những tháng gần đây, không những Nga đã tạo mối quan hệ thân tình với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, mà còn tranh thủ được sự ủng hộ của các liên minh truyền thống của Mỹ như Ai Cập, Saudi Arabia, thậm chí Israel.

Rõ ràng, một trật tự mới đang hình thành tại Trung Đông, xoay quanh mối quan hệ giữa Nga với Iran và với một số nước trong khu vực. Theo tờ Newsweek, với hơn 25 lần đón tiếp các nhà lãnh đạo hàng đầu đến từ các quốc gia Arab trong 2 năm qua, Nga một lần nữa lại trở lại vai trò người chơi lớn trong khu vực Trung Đông. Việc xây dựng ảnh hưởng trở lại ở Trung Đông trước mắt sẽ giúp Nga tăng thêm các lợi thế để “mặc cả” với các lệnh trừng phạt bị phương Tây áp đặt sau vụ sáp nhập Crimea hồi năm 2014, cũng như sẽ giúp Mátxcơva trong các cuộc thương lượng với phương Tây trong tương lai.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục