Trên đe dưới búa

Nhiều hãng thông tấn nước ngoài ngày 20-6 cho biết Hy Lạp đang tiến gần đến việc thành lập một chính phủ liên minh. Cứ theo cách suy luận thông thường thì chính phủ mới sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách thắt lưng buộc bụng để đổi lấy các gói cứu trợ kinh tế từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với kỳ vọng đưa Athens thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Nhiều hãng thông tấn nước ngoài ngày 20-6 cho biết Hy Lạp đang tiến gần đến việc thành lập một chính phủ liên minh. Cứ theo cách suy luận thông thường thì chính phủ mới sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách thắt lưng buộc bụng để đổi lấy các gói cứu trợ kinh tế từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với kỳ vọng đưa Athens thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Kết quả này có được từ chiến thắng của đảng Dân chủ mới trong cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp ngày 17-6 vừa qua. Cộng đồng quốc tế thở phào khi đã đẩy lùi được nguy cơ sụp đổ eurozone. Tuy nhiên, giới quan sát lại nhận định tác động tích cực từ cuộc bầu cử ở Hy Lạp ngắn chẳng tày gang và chính phủ liên minh mới sẽ phải đối mặt với không ít chông gai.

Đầu tiên là vấn đề thành lập chính phủ liên minh. Đảng Dân chủ mới có thể bắt tay với đảng Xã hội (Pasok) về thứ 3 trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, lãnh đạo Pasok Evangelos Venizelos từng cho rằng bất kỳ bộ máy chính phủ mới nào cũng nên có đại diện đến từ các đảng cực tả khác như đảng Syriza, đảng về nhì trong cuộc bầu cử và giành được khoảng 1/4 số phiếu bầu. Điều này bất khả thi bởi Chủ tịch đảng Syriza Alexis Tsipras đã từ chối lời mời tham gia chính phủ liên minh. Josef Janning-chuyên gia thuộc Trung tâm chính sách châu Âu tại Brussels-cảnh báo một liên minh giữa đảng bảo thủ và xã hội có thể xảy ra nhưng sẽ dễ bị tổn thương. Cần nhắc lại là trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 vừa qua, đảng Dân chủ mới cũng giành được nhiều phiếu nhất, nhưng sau đó không thể thành lập được một chính phủ liên minh với các đảng khác, buộc Hy Lạp phải tổ chức cuộc bầu cử lần hai vào ngày 17-6.

Sau khi chính phủ liên minh được thành lập, nội các mới sẽ phải lập tức chứng minh với các nhà tài trợ rằng Athens vẫn thi hành nghiêm túc các cam kết cắt giảm chi tiêu để đổi lấy 2 gói hỗ trợ tài chính trị giá 110 và 130 tỷ EUR. Petros Linardos, chuyên gia kinh tế Hy Lạp nhận định đẩy mạnh khắc khổ đồng nghĩa với khả năng tiếp tục giảm thu nhập, tăng thuế nhằm vào người dân, sa thải người lao động tại khu vực công… Theo ông Linardos, những giải pháp đó sẽ khiến chính phủ mới của Hy Lạp đối mặt với làn sóng bất bình từ người dân trong nước, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 22,6%, lương tối thiểu bị giảm 40% - 60%...

Và cuối cùng, điều mà không ít chuyên gia kinh tế lo ngại đó là liệu Hy Lạp có giành lại được niềm tin của các nhà đầu tư. Andrew Milligan, người phụ trách chiến lược toàn cầu tại Công ty Standard Life Investments ở Edinburgh, cho biết, kết quả bầu cử tại Hy Lạp đã tốt đẹp hơn mong đợi, song vẫn còn đó tất cả vấn đề về các cuộc tái thương lượng về cứu trợ kinh tế, giải quyết nợ công, chính phủ liên minh không chắc chắn và chương trình tăng trưởng kinh tế chưa rõ ràng. Tất cả những điều trên không đem lại cảm giác an toàn cho các doanh nhân, càng khó khiến họ mở hầu bao mở rộng quy mô sản xuất, thuê nhân công và đầu tư. Áp lực của dân chúng, của cộng đồng tài chính quốc tế và của cả các nhà đầu tư đã đẩy các nhà lãnh đạo mới của Athens vào thế “trên đe dưới búa”. Đáng ngại hơn, chính phủ mới có thể sẽ rơi vào bất ổn nếu quyết tâm thúc đẩy hơn nữa các biện pháp khắc khổ trong nước.

Đỗ Văn

Tin cùng chuyên mục