Trên thông, dưới chưa thoáng

Hành lang pháp lý với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực điện ảnh đã có nhiều đổi mới, cập nhật. Tuy nhiên, việc áp dụng trong thực tiễn hiện còn khoảng cách khá xa với không ít vướng mắc bởi nhiều lý do.

Năm 2006, khi Luật Điện ảnh lần đầu được ban hành đã được xem là một bước tiến lớn, thậm chí đến nay, đây vẫn là bộ luật đầu tiên và duy nhất ở lĩnh vực nghệ thuật, biểu diễn. Qua 2 lần sửa đổi vào năm 2009, năm 2022, nhiều nội dung, điều khoản ngày càng được hoàn thiện, tiệm cận thực tế.

Một trong những thay đổi mang tính đột phá về mặt khái niệm cũng như bản chất là điện ảnh từ chỗ chỉ được coi là ngành nghệ thuật nay được nhìn nhận là ngành công nghiệp, thành phần chủ lực trong các ngành công nghiệp sáng tạo văn hóa. Từ căn bản này, mới đây UBND TPHCM đã phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030, trong đó điện ảnh là 1 trong 8 lĩnh vực chủ lực.

Việc hiện thực hóa các văn bản pháp luật vào thực tiễn đời sống điện ảnh hiện đang gặp nhiều vướng mắc, trong đó vướng mắc mang tính nổi cộm là không ít văn bản dưới luật chưa theo kịp sự phát triển của thị trường.

Điển hình như trường hợp của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, trong khi luật quy định cụ thể nguồn thu như trích từ tiền bán vé xem phim nhưng khi thực hiện lại bị phía Tổng cục Thuế và các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim phản đối vì như thế là tính thuế 2 lần, thuế chồng thuế. Hay trích từ % doanh thu quảng cáo trên truyền hình nhưng lại bị các đài không đồng ý vì số tiền này không đủ làm phim truyền hình, sao có thể hỗ trợ điện ảnh…

Cũng như vậy, các vấn đề về ưu đãi về thuế, hay các chính sách mở cửa về giấy phép cho quá trình sản xuất phim, dù luật đã thông thoáng nhưng về đến địa phương lại phát sinh những giấy phép con một cách khó hiểu. Hay cả câu chuyện hợp tác làm phim với nước ngoài, các tổ chức nước ngoài sản xuất phim sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức của Việt Nam cung cấp được ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có một nghị định hướng dẫn cụ thể liên quan đến vấn đề này. Thực tế này khiến điện ảnh Việt lỡ không ít cơ hội, cả về mặt quảng bá thương hiệu quốc gia cũng như mất đi nguồn thu không nhỏ.

Một thực tế khác cũng cần được nhìn nhận thẳng thắn là việc thiếu đồng bộ, chồng chéo giữa các văn bản luật khác nhau có liên quan đến lĩnh vực điện ảnh. Điều 5 Luật Điện ảnh nêu rõ “Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, các chính sách cụ thể như thế nào lại không thể đưa vào luật chuyên ngành, mà phải đưa vào các luật thuế có liên quan. Mà những luật này còn chờ được sửa đổi, bổ sung và thông qua trong năm 2024. Điều đó đồng nghĩa, quy định này lại phải chờ quy định khác mới có thể thực thi trong thực tiễn. Trong không ít trường hợp, chờ đồng nghĩa không ít cơ hội sẽ bị vuột mất, không thể lấy lại, thậm chí kìm hãm sự phát triển của thị trường.

Trong những kiến nghị của Vụ Pháp chế, Bộ VH-TT-DL với Quốc hội có chỉ ra để bảo đảm thực thi có hiệu quả các chính sách phát triển điện ảnh cần xem xét, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; các luật thuế có liên quan theo hướng cụ thể hóa chính sách đầu tư cho văn hóa, trong đó có điện ảnh.

Ai cũng hiểu, hành lang pháp lý nếu thông thoáng, cởi mở, đồng thời có sự đồng bộ, nhất quán từ các luật cũng như văn bản dưới luật có liên quan sẽ là nền tảng quan trọng vững chắc để thúc đẩy nhanh sự phát triển của công nghiệp điện ảnh.

Tin cùng chuyên mục