Triển lãm ảnh kỷ niệm 40 năm thành lập NXB Trẻ

Ngày 20-3, lễ khai mạc triển lãm ảnh nhân kỷ niệm 40 năm thành lập NXB Trẻ đã diễn ra tại Đường sách TPHCM (ảnh). Cách đây 40 năm, vào ngày 24-3-1981, NXB Măng Non trực thuộc Thành đoàn TPHCM ra đời. Cuốn sách đầu tiên được xuất bản là tranh truyện Anh Trần Văn Chẩm, do Long Giang kể, họa sĩ Hà Quang Phương vẽ. Sách dày 30 trang, được in 50.000 bản. 
Triển lãm ảnh kỷ niệm 40 năm thành lập NXB Trẻ

Trong thời gian 5 năm hoạt động, NXB Măng Non cho ra đời 104 tựa sách với số bản in trên 40 triệu bản. Từ năm 1986 đến nay, NXB Măng Non được đổi tên thành NXB Trẻ, trở thành một trong những thương hiệu dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực xuất bản.

Tính đến tháng 2-2021, NXB Trẻ đã in tổng cộng 40.000 tựa sách với trên 216 triệu bản in. Nhiều ấn phẩm do NXB Trẻ ấn hành đã đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, giải sách Quốc gia. Triển lãm kéo dài từ nay đến hết ngày 4-4 với 2 phần chính: giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của NXB Trẻ; Những tựa sách, bộ sách tiêu biểu làm nên thương hiệu và uy tín của NXB Trẻ. 

* Cùng ngày, triển lãm Giấc mơ của họa sĩ Nguyễn Hoài Hương khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (97A Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1). Triển lãm với hơn 70 tác phẩm, được họa sĩ thể hiện trên nhiều chất liệu, vật liệu như sơn mài, sơn dầu, điêu khắc, sắp đặt, gốm…

Hình ảnh miền Bắc, Huế và không gian kiến trúc Việt quen thuộc, đã được họa sĩ tinh lược thành các biểu tượng và biểu hiệu. Đôi khi chỉ là một bông hoa, một cây bằng lăng, hoặc chỉ vài mảng màu, gam màu đã đủ diễn đạt một vùng quê, một nếp nhà, một cảm nghĩ.

Họa sĩ Nguyễn Hoài Hương được biết đến là một họa sĩ - kiến trúc sư. Ông định danh trong giới hội họa từ các triển lãm nhóm cuối thập niên 1980, nhóm họa sĩ này gồm Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Hoài Hương và Đỗ Hoàng Tường. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 28-3.

* Ngày 20-3, chương trình giao lưu ra mắt sách Một thời chân đất (NXB Tổng hợp) được tổ chức. Sách tập hợp những sáng tác của 48 cây bút trong và ngoài TNXP, cùng một số ảnh tư liệu mang tính lịch sử của Lực lượng TNXP TPHCM trong 45 năm qua do 2 nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên và Đoàn Xuân Hải tuyển chọn.

Sau gần 4 tháng thực hiện, 4.500 cuốn sách Một thời chân đất đã được bán hết, thu về số tiền hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà báo Nguyễn Thanh Minh đã gửi tặng một bức tranh đá và nhiếp ảnh gia Hoàng Thạch Vân gửi tặng chương trình 4 bức ảnh để bán đấu giá. Toàn bộ số tiền thu được từ bán sách và đấu giá tranh, ảnh sẽ được đưa vào Quỹ Một thời chân đất, hỗ trợ các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn.

Tại chương trình ra mắt sách Một thời chân đất, ban tổ chức đã trao tặng 135 phần quà, mỗi phần quà trị giá 4,5 triệu đồng cùng một tuyển tập Một thời chân đất tới 135 cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Tin cùng chuyên mục