Triển lãm gần 200 hình ảnh, bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cần Thơ
Ngày 2-4, Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ tổ chức Triển lãm ảnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Tranh dân gian truyền thống Việt Nam” và Trưng bày chuyên đề “Dấu ấn văn hóa cổ”
Chào mừng kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2019); Ngày quốc tế lao động 1-5 và 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2019), ngày 2-4, Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ tổ chức Triển lãm ảnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Tranh dân gian truyền thống Việt Nam” và Trưng bày chuyên đề “Dấu ấn văn hóa cổ”.
Các em học sinh TP Cần Thơ tham quan triển lãm về bút tích và hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: HÀM LUÔNG
Triển lãm ảnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Bảo tàng TP Cần Thơ phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM thực hiện, với gần 200 hình ảnh, tài liệu, trong đó, có nhiều bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đây là một trong những di sản do Người để lại cho dân tộc Việt Nam, là truyền thống đạo đức, tinh hoa văn hóa của dân tộc, tinh hoa văn hóa của nhân loại và tinh thần quốc tế trong sáng; đã hòa quyện với nhau trong tư tưởng, hành động của Người. Sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa lời nói và việc làm trong suốt cuộc đời của Người đã trở thành biểu tượng của đạo đức cách mạng, gần gũi, thân quen, ai cũng có thể học tập và làm theo.
Học sinh TP Cần Thơ thích thú trải nghiệm kỹ thuật làm tranh dân gian Đông Hồ. Ảnh: HÀM LUÔNG
Triển lãm “Tranh dân gian truyền thống Việt Nam” do Bảo tàng TP Cần Thơ phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thực hiện, gồm 64 tranh dân gian tiêu biểu. Đây là bộ sưu tập được chọn lọc của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, giới thiệu cho người thưởng lãm loại hình tranh dân gian đặc sắc và độc đáo, với sự đa dạng, phong phú của các dòng tranh dân gian nổi tiếng như: Đông Hồ (Bắc Ninh); Hàng Trống (Hà Nội); Kim Hoàng (Hà Tây); Làng Sình (Huế); Độc Lôi (Nghệ An)…
Dịp này, Bảo tàng Cần Thơ còn Trưng bày chuyên đề “Dấu ấn Văn hóa cổ”, giới thiệu hơn 300 tư liệu, hình ảnh và hiện vật của 3 nền văn hóa: Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo với nhiều loại hình và chất liệu khác nhau.
2 bảo bật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng TP Cần Thơ. Ảnh: HÀM LUÔNG
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận 2 bảo vật quốc gia đặt tại Bảo tàng TP Cần Thơ là: Bình gốm có vòi Nhơn Thành và Tượng phật Nhơn Thành, tại khu vực Đá Nổi - Lung Cột Cầu, thuộc vùng lõi địa tầng di tích khảo cổ học Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, thuộc nền văn hóa Óc Eo vào khoảng thế kỷ IV-VI. Bình được cấu tạo từ chất liệu đất sét mịn. Hiện vật được phát hiện còn trong tình trạng nguyên vẹn, hoàn hảo là tiêu bản duy nhất, độc bản ở các khu vực khảo cổ ĐBSCL. Tượng Phật Nhơn Thành được chế tác hoàn thiện với dáng sống động, bố cục cân đối, vững chắc trên khối bệ hai tầng.
Khách tham quan thưởng lãm 2 bảo vật quốc gia đang được trưng bày. Ảnh: HÀM LUÔNG
Ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ cho biết: “Triển lãm ảnh và trưng bày chuyên đề sẽ góp phần tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, về những tấm gương sáng trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhằm góp phần nâng cao nhận thức trong xã hội về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Ngoài ra, việc công bố Quyết định về bảo vật quốc gia hôm nay nhằm góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về giá trị của các di sản văn hóa. Đây là những hiện vật mang đậm dấu ấn văn hóa, phản ảnh bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa của một thời đại; có giá trị đặc biệt về tư tưởng, nhân văn, nghệ thuật và thẩm mỹ, tiêu biểu cho sự phát triển của một giai đoạn lịch sử nhất định.
Triển lãm mở cửa phục vụ người dân Cần Thơ và du khách từ nay đến hết ngày 25-5.