
“Tính đa dạng của Việt Nam - các tác phẩm nhiếp ảnh của Viện Viễn Đông bác cổ” là chủ đề cuộc triển lãm do Viện Viễn Đông bác cổ Pháp, Lãnh sự quán Pháp tại TPHCM phối hợp cùng Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM tổ chức. Những hình ảnh tư liệu của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp về Việt Nam cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 được lựa chọn trưng bày là những bằng chứng thể hiện sự phong phú và đa dạng của nền văn hóa Việt Nam đối với những người quan sát nước ngoài suốt nửa đầu thế kỷ 20.
Một kho tàng đồ sộ
Hơn 150 bức ảnh được lựa chọn từ kho tư liệu đồ sộ 200.000 phim âm bản của Viện Viễn Đông bác cổ (EFEO) giới thiệu đến công chúng Việt Nam và bạn bè quốc tế là nguồn tư liệu có giá trị đặc biệt về đời sống, văn hóa Việt Nam cuối thế kỷ 19 và suốt nửa đầu thế kỷ 20. Phái đoàn khảo cổ thường trực tại Đông Dương sau đó là Viện Viễn Đông bác cổ Pháp được thành lập vào năm 1898, có nhiệm vụ nghiên cứu khảo cổ học và ngữ văn học của bán đảo Đông Dương, để hiểu rõ hơn lịch sử di tích, tiếng nói của bán đảo và góp phần nghiên cứu khoa học về các vùng và các nền văn minh láng giềng. Mặc dù nhiệm vụ của EFEO trải rộng trên toàn bán đảo Đông Dương nhưng Việt Nam lại chiếm phần lớn vị trí quan trọng trong các công trình của các nhà nghiên cứu. Nguồn tài liệu minh họa cho sự đa dạng chuyên ngành mà EFEO đề cập đến là kiến trúc, khảo cổ, văn khắc, dân tộc học, lịch sử, nghệ thuật… trong đó lưu trữ một khối lượng lớn tài liệu về Việt Nam. Thành quả hợp tác chặt chẽ của họ với giới nho sĩ Việt Nam và các học giả đã cho ra đời nhiều ấn phẩm trong các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, lịch sử nghệ thuật, dân tộc học, ngôn ngữ và ngữ văn học. EFEO đã thực hiện công tác bảo tồn di sản nghệ thuật và khảo cổ Việt Nam không chỉ qua các công trình nghiên cứu kiểm kê, mà còn bằng việc xây dựng và quản lý nhiều bảo tàng. EFEO cũng thu thập nhiều tài liệu bản thảo và tài liệu in, thành lập một thư viện phong phú và rập hàng ngàn bản văn khắc.

Những thầy đồ người Hoa, người An Nam, lính khố xanh, Tòa công sứ Pháp (phố Hàng Gai, Hà Nội) năm 1884-1886.
Hơn một thế kỷ có mặt tại Việt Nam, EFEO đã góp phần quan trọng trong phát triển khoa học xã hội của Việt Nam thông qua các công trình nghiên cứu về lịch sử, triết học, dân tộc học và nhân chủng học, khảo cổ học cũng như triển khai nhiều công trình trùng tu di sản nghệ thuật và khảo cổ. Hiện EFEO đã thành lập 18 trung tâm tại 12 quốc gia, từ Ấn Độ đến Nhật Bản. Viện Viễn Đông bác cổ đã trở thành một địa chỉ uy tín cho giới chuyên môn trong công tác nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu đa ngành về các xã hội và các nền văn minh châu Á.
Và một bản sắc Việt Nam
Do có nhiều dân tộc cùng sinh sống, EFEO đã chọn Việt Nam để nghiên cứu dân tộc học. Những công trình của người Pháp với sự tham gia của các học giả Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Khoan và cộng tác viên đã hình thành kho tư liệu, tạo những bước tiên phong cho ngành Việt Nam học cận đại.
Một nền văn hóa dân gian được hun đúc trong các làng xã mà hiện thân của nó là các nghi lễ nông nghiệp, là những lễ hội bảo đảm sự gắn kết của các thế hệ, là những buổi lễ tưởng nhớ các vị thành hoàng làng. Trên nền tảng làng xã ấy, một vũ trụ tinh thần và đạo đức được cấu thành, hòa trộn sự sùng bái đạo Phật và các nguyên tắc Nho giáo, đặc biệt khích lệ lòng trung thành không lay chuyển với tổ tiên được tôn thờ cả năm, những dịp thờ cúng, nghi lễ tang ma và dịp tết đối với mọi gia đình người Việt.
Thưởng lãm những tác phẩm của EFEO qua triển lãm “Tính đa dạng của Việt Nam - các tác phẩm nhiếp ảnh của Viện Viễn Đông bác cổ”, có thể thấy một hình ảnh Việt Nam hiện lên hiền hòa và tươi đẹp, dẫu đất nước bấy giờ đang còn chia cắt. Một Việt Nam được khắc họa sống động với bản sắc rất riêng không thể nhầm lẫn. Đó là những dân chài đóng khố bằng vỏ cây, mặc áo lá gồi đang cất vó, đó là những nông dân bắt cá bằng dụng cụ được đan bằng những mảnh nan tre, là những chị bán hàng rong tảo tần quang gánh trên phố cổ Hà Nội, là những kỳ thi tuyển khoa cử, những lễ hội truyền thống, là những ngôi đình làng - một hình ảnh đặc trưng cho đời sống cộng đồng… Đó còn là những nghi lễ dân gian như Tết Táo quân, Tết Trung thu, là các nghi thức trong lễ tế Nam Giao cùng rất nhiều những tư liệu khảo cổ của hàng chục di sản văn hóa, di sản kiến trúc cổ.
Các tác phẩm trưng bày tại 97A Phó Đức Chính, quận 1, TPHCM đến hết ngày 28-6.
MINH AN