Trò đùa quá trớn!

Sự kiện “Ra khơi đi tìm kho báu của bà T.M.L.” chỉ mới xuất hiện khoảng 3 ngày trên nền tảng mạng xã hội Facebook nhưng thu hút gần 178.000 lượt quan tâm và hơn 230.800 bài viết tham gia. Được biết, một người ham mê truyện tranh nào đó đã lồng ghép số tiền khổng lồ hàng trăm ngàn tỷ đồng trong vụ đại án kinh tế vừa được xét xử với bối cảnh mở đầu bộ truyện tranh Nhật One Piece, nơi nhân vật vua hải tặc trước khi bị tử hình đã tuyên bố “kho báu của ta giấu ngoài biển, ai muốn thì cứ ra tìm”.

Chính vì dựa trên bộ truyện tranh nổi tiếng, liên tục hơn chục năm nay đứng đầu danh sách sách truyện tranh ăn khách nhất thế giới, nên câu chuyện đùa này nhanh chóng được giới trẻ hùa theo. Nào là “anh em ơi lên thuyền thôi”, “cần tuyển thành viên tham gia đoàn hải tặc”, “bác sĩ, đầu bếp, thợ săn hải tặc… đâu rồi” (những nhân vật trong truyện tranh). Thậm chí, vận động viên bơi lội Ánh Viên cũng bị lôi vào trò đùa này khi nhiều người kêu gọi tuyển mộ chị để “vớt các thành viên chẳng may rơi xuống biển” (các nhân vật chính trong truyện không biết bơi).

Nội dung và hình ảnh chia sẻ hoàn toàn mang tính chất giải trí, nhưng do trò đùa dựa trên một bộ truyện tranh, khiến nhiều phụ huynh vì không biết nên vô cùng hoang mang trước các hành động của con em mình. “Đi học về tới nhà, đứa nào cũng ôm máy tính, điện thoại kêu gọi nhau “ra biển tìm kho báu”. Hỏi ra thì cháu bảo của bà T.M.L., nhiều tiền lắm. Tôi có đọc tin tức nên rất ngạc nhiên vì hai chuyện chả liên quan gì đến nhau mà sao bọn nhỏ nói cứ như đúng rồi ấy”, chị Thảo Nguyên (35 tuổi, nhân viên ngân hàng, ngụ quận 8, TPHCM) chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở vui đùa như đăng hình đang trên tàu ra biển (thường là ảnh các chuyến đi chơi biển trước đây), hay ảnh lệnh truy nã kèm tiền thưởng các thành viên theo kiểu trong truyện. Nhiều bạn trẻ còn lên các phần mềm bản đồ trực tuyến, chấm tọa độ loạn xạ trên biển với chú thích “Đây là kho báu của T.M.L.”. Thậm chí, thông qua vụ việc này, nhiều bạn trẻ mới biết ở nước ta có một nơi từng được gọi là “Quần đảo hải tặc” (Hà Tiên) và chấm tọa độ “kho báu” chằng chịt ở đây như một cách vui đùa.

Lằn ranh giữa vui thôi đừng vui quá vốn rất mong manh, một đại án kinh tế cũng không có gì vui vẻ để tạo thành một trào lưu ăn theo. Chưa kể việc đùa vui thái quá đang khiến nhiều người vốn không biết nguồn gốc câu chuyện trở nên hoang mang, tò mò gây ảnh hưởng xấu trên các trang mạng xã hội. Vẫn biết việc tạo sự kiện hay trào lưu trên mạng xã hội là công thức quen thuộc của người làm nội dung số, bởi tiền kiếm được từ những lượt like (thích), lượt view (xem)… buộc người ta phải nghĩ đủ trò độc lạ để thu hút người dùng xem và nhấn nút thích. Thu nhập khủng từ việc làm nội dung số là có thật, nhưng hãy kiếm tiền một cách văn minh và tạo lập giá trị tích cực với cộng đồng, đó mới là nguồn khai thác thu nhập bền vững.

Tin cùng chuyên mục