Trở lại “bến cảng lòng dân” đường Hồ Chí Minh trên biển

Cách đây 60 năm, những người con ưu tú của cách mạng ở vùng đất cực Nam Tổ quốc đã góp phần mở con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển. Bây giờ, đường Hồ Chí Minh (trên bộ) đã về đến Mũi Cà Mau. Hai tuyến đường này đã góp phần làm đổi thay cuộc sống người dân nơi cực Nam Tổ quốc. 

Nói đến con đường huyền thoại trên biển không thể không nhắc bến Vàm Lũng (thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) điểm cuối của đường Hồ Chí Minh trên biển.

Ngày 11-10-1962, chuyến tàu đầu tiên của “đoàn tàu không số”, mang phiên hiệu “Phương Đông 1” (thuộc Đoàn vận tải biển 759 - Lữ đoàn 125) chở 30 tấn vũ khí từ bến Đồ Sơn (Hải Phòng) mở đường vào Nam. Ngày 16-10-1962, tàu “Phương Đông 1” do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy, đã cập bến Vàm Lũng an toàn.

Đây là chuyến tàu của “đoàn tàu không số” khai thông tuyến vận tải chiến lược trên biển Đông - đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ năm 1962 đến 1970, bến Vàm Lũng tiếp nhận 75 tàu, với trên 4.400 tấn vũ khí, trang thiết bị cho chiến trường miền Nam. “Bến cảng lòng dân” là cách gọi thân thương của cán bộ, chiến sĩ khi nhắc về địa danh Vàm Lũng.

Ông Trịnh Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển), cho biết, bến Vàm Lũng đã có nhiều đổi thay, diện mạo nông thôn khởi sắc. Thời gian qua, hạ tầng giao thông đường bộ được quan tâm đầu tư và có sự chuyển biến rõ nét. Đường ô tô đã về đến trung tâm xã, mạng lưới giao thông liên kết giữa các ấp được đầu tư đồng bộ. Qua đó, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Tin cùng chuyên mục