Đến con hẻm nhỏ ở đường Yên Thế, khu phố 4, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM, nghe bà con tấm tắc khen bà tổ trưởng khu phố luôn tận tụy với “việc dân”, chúng tôi đã tìm gặp bà… Ngồi trước mặt chúng tôi là một phụ nữ hiền lành, giản dị tên là Phạm Thị Minh Hiền, 76 tuổi đời, 41 tuổi Đảng. Bà chính là người em gái thân thương của nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang-liệt sĩ Hoàng Ngân nổi tiếng. Câu chuyện về bà thật sự cuốn hút chúng tôi…
- 10 tuổi đi làm giao liên...
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng, chứng kiến chị Hoàng Ngân, tên thật là Phạm Thị Vân (bí danh Hồng Vân), mới 14 tuổi tham gia cách mạng, rồi bị địch bắt và kết án 12 năm tù giam, cô bé Hiền mới tròn 10 tuổi đã ngộ ra nhiều điều. Tuy chưa hiểu lắm về cách mạng, nhưng cô bé rất tin chị mình và nguyện bước tiếp con đường mà chị đã chọn.
Lúc chị Hoàng Ngân bị giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), địch không cho người lớn vào thăm vì sợ cách mạng móc nối liên lạc. Tổ chức cách mạng bèn cử cô bé Hiền làm nhiệm vụ vừa thăm chị, vừa khéo léo qua mắt địch để tiếp tế lương thực, thuốc men, giấy bút cho chị và các đồng chí khác trong tù tiếp tục hoạt động… Công việc giao liên đã cuốn hút cô bé theo cách mạng từ lúc nào không biết. Kẻ địch không thể ngờ một cô bé mới 10 tuổi đầu đã làm được một nhiệm vụ cách mạng hết sức quan trọng mà không phải ai cũng làm được.
Nhờ cô bé mà mọi hoạt động trong tù như có cánh bay ra bên ngoài và ngược lại những tin tức từ bên ngoài cũng vào trong tù với anh em. Đó là chưa kể nguồn lương thực, thuốc men, giấy bút… cũng xuất hiện trong tù, mặc dù địch canh gác hết sức cẩn mật. Suốt 4 năm trời ròng rã ra vào tù thăm nuôi chị, cô bé Hiền đã trở thành một nữ giao liên xuất sắc.
Rồi cách mạng cũng tìm cách cho chị Ngân vượt ngục ra khỏi nhà tù Hỏa Lò để tiếp tục hoạt động cách mạng. Mỗi lần có tin vui chiến thắng, niềm vui của hai chị em như được nhân đôi. Suốt chặng đường cách mạng của chị Ngân luôn có Hiền là “chỗ dựa” vững chắc, kể cả lúc chị Ngân tham gia những trận đánh “xuất quỷ nhập thần”, đều có em gái sát cánh làm nhiệm vụ tiếp lương, tải đạn cho chị hoàn thành nhiệm vụ.
Rồi những ngày chị Ngân lâm trọng bệnh, Hiền chạy vạy khắp nơi lo thuốc thang cho chị, động viên tinh thần chị kịp thời. Năm 1949, Hiền còn theo chị Ngân lên chiến khu Việt Bắc hoạt động cách mạng và chứng kiến mối tình đẹp giữa chị mình và anh Hoàng Văn Thụ.
- Còn sức khỏe, còn cống hiến…
Hoạt động tại chiến khu Việt Bắc, Hiền được vinh dự gặp Bác Hồ. Bác dặn Hiền: “Làm cách mạng là phải không ngại khó, không ngại khổ và không sợ hy sinh cháu nhé…”. Lời dặn của Bác trở thành hành trang quý giá và sức mạnh tinh thần để Hiền vượt qua bao “mưa bom, bão đạn” và đi hết chặng đường cách mạng mà mình đã chọn.
Chúng tôi hỏi: “Trong cuộc đời đi làm cách mạng, bà nhớ nhất kỷ niệm nào?”, bà Hiền xúc động đáp: “Tôi nhớ nhất kỷ niệm lúc chị Ngân hy sinh ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã chọn một ngọn đồi để đặt tên là đồi Hoàng Ngân”. Bác còn chia sẻ với gia đình tôi: “Hoàng Ngân hy sinh, gia đình đau một, cách mạng đau gấp bội phần vì khó có ai thay thế được Hoàng Ngân…”.
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước cũng động viên tôi: “Em có người chị gái thật vĩ đại, em phải quyết tâm theo cách mạng đến cùng để xứng đáng với chị Ngân nhé…”. Nhớ lời căn dặn của những cán bộ cách mạng đi trước, Hiền tích cực tham gia đội quân du kích và làm công tác phụ nữ, công tác dân vận và có mặt hoạt động ở khắp các tỉnh thành, khi bí mật, lúc công khai ở khắp mọi nơi. Sau này, tổ chức cách mạng đã đặt tên cho các đội du kích nữ thành “Đội du kích Hoàng Ngân”. Chính cái tên này đã trở thành nỗi khiếp sợ cho kẻ thù và là niềm tự hào của người em gái Phạm Thị Minh Hiền.
Sau ngày giải phóng thủ đô (năm 1954), bà Hiền tham gia tiếp quản TP Hải Phòng và tham gia công tác cải tạo tư sản. Tại đây, bà gặp ông Phạm Văn Hiến, cháu ruột của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Hai người vừa là đồng chí, vừa là đồng nghiệp cùng chung chí hướng nên rất hiểu nhau. Họ kết hôn và động viên nhau tiếp tục công tác tốt.
Tháng 7-1969, bà Hiền được kết nạp vào Đảng. Bà tâm sự: “Những năm 1950, do địch ráo riết khủng bố cơ sở cách mạng nên việc kết nạp Đảng chựng lại. Do đó đến năm 1969 tôi mới vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trở thành đảng viên, tôi càng thấy trách nhiệm của mình lớn hơn…”.
Năm 1975, bà tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam. Sau ngày tiếp quản Sài Gòn, bà giữ chức Giám đốc Công ty Thiết bị thuộc Bộ Thương mại, đến năm 1990, nghỉ hưu. Cả một đời theo Đảng, theo cách mạng, giờ đây bà đang sống trong căn nhà đơn sơ của con gái, vì được tiêu chuẩn nhà nước cấp nhà thì vợ chồng bà đều nhường cho người khác khó khăn hơn. Bà đã chọn lối sống liêm khiết, quên mình vì mọi người. Phẩm chất cách mạng của người đảng viên ấy thật sự tỏa sáng như “ngọc sáng ngời” giữa đời thường.
Qua chặng đường cách mạng suốt hàng chục năm qua, bà vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương các loại như: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba và nhiều bằng khen, giấy khen khác…
Về địa phương, bà tham gia công tác Đảng, góp ý xây dựng chính quyền, tham gia điều hành hoạt động tổ dân phố, làm công tác hội phụ nữ, tích cực vận động bà con chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước. Gần đây, mặc dù “tuổi cao sức yếu” nhưng bà vẫn tham gia Câu lạc bộ “Ông bà cháu”, Hội Người cao tuổi, Hội Khuyến học, công tác kế hoạch hóa gia đình…
Bà chân thành bộc bạch: “Chừng nào còn sức khỏe là chừng đó tôi còn làm việc vì không có đảng viên hưu. Hơn nữa, sống mà được làm việc có ích cho xã hội, tôi thấy mình như khỏe ra và hạnh phúc càng đong đầy…”
MINH NGỌC