
Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, thời gian qua lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân ở TPHCM tăng đột biến, trong đó chiếm phần lớn ở các địa bàn “nóng” về khiếu kiện đất đai như quận 2, 9, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Củ Chi… Trong thực tế, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo lại không phải do người dân trực tiếp viết và gửi cho các cơ quan thẩm quyền mà được thực hiện bởi một số đối tượng “khiếu kiện chuyên nghiệp”, thậm chí cả các văn phòng luật sư cũng tham gia để được hưởng hoa hồng từ “dịch vụ” khiếu kiện thuê…

Luật sư tại Hội Luật gia TPHCM giải thích pháp luật cho người đi khiếu nại.
“Dịch vụ” khiếu kiện thuê
Trong vai người dân có nhà bị giải tỏa tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chúng tôi tìm gặp ông Tiến - người được giới thiệu có quen biết với các luật sư có thể đứng ra làm đơn khiếu nại tăng tiền đền bù. Ông Tiến nói: “Việc của anh phải qua văn phòng luật sư làm mới nhanh được. Anh tự đi làm, có gửi đơn khiếu nại đến quận hay thành phố thì cả chục năm sau chưa chắc đã được giải quyết”. “Thế anh làm có nhanh không, thủ tục ra sao?”, chúng tôi hỏi. Nghe đến đây, ông Tiến xởi lởi hẳn lên, giục chúng tôi đưa hồ sơ cho xem. Lấy lý do không mang theo sẵn, chúng tôi nói yêu cầu khiếu nại là muốn tăng thêm tiền đền bù từ 1,4 tỷ đồng lên được đồng nào hay đồng đó. Ông Tiến giải thích: “Dễ thôi, khiếu nại trọn gói, phần tăng thêm “cưa” đôi. Còn làm đơn khiếu nại, “gõ cửa” gửi cơ quan chức năng, chi phí “dịch vụ” tùy hồ sơ, nhanh thì 10 đến 15 triệu đồng, bình thường thì 5 đến 8 triệu đồng…”.
Cũng tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cách nay không lâu chúng tôi đã kịp thời ngăn chặn được trường hợp đi khiếu nại của bà Nguyễn Thị P. Bà P. có khu đất hơn 1ha ở phường An Khánh bị giải tỏa với mức đền bù hơn 10 tỷ đồng. Bà đã một lần khiếu nại về diện tích và được giải quyết tăng tiền đền bù thêm hơn 400 triệu đồng. Thay vì chấp nhận mức đó, bà P. được một luật sư có văn phòng ở phường 5 (quận Tân Bình) gợi ý có thể đòi mức cao hơn với điều kiện bà phải ủy quyền toàn quyền để đi lo. Tin lời, bà P. đến văn phòng luật sư của luật sư này làm hợp đồng ủy quyền toàn quyền, trong đó có nội dung được liên hệ với cơ quan chức năng trích lục giấy tờ nhà đất liên quan và thay mặt nhận tiền đền bù tại Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2. Đưa toàn bộ hồ sơ bản chính và tờ ủy quyền khiếu nại cho luật sư này, hơn 1 tháng sau vẫn không thấy kết quả, bà P. như ngồi trên lửa. Sau nhiều lần liên hệ gặp người luật sư này không được, bà P. đến Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2 dò hỏi thì được biết đã có người đến làm thủ tục trích lục hồ sơ nhận tiền. Khi nghe chúng tôi giải thích về tờ giấy ủy quyền, bà P. tá hỏa vội đi làm thủ tục hủy ủy quyền và đề nghị ngăn chặn gửi đến các cơ quan chức năng.
Thực tế của tình trạng “khiếu kiện thuê” thời gian qua - theo nhận định của Văn phòng Tiếp công dân TPHCM - là rất phức tạp. Trong số 2.335 đơn thư mà đơn vị này nhận được từ đầu năm đến nay, có đến gần một nửa đơn không đủ điều kiện xử lý. Nhiều đơn vụ việc đã rõ, đã được cấp thẩm quyền giải quyết và thậm chí đã nhận tiền đền bù nhưng vẫn đi khiếu nại vì tin theo lời của các luật sư và một số đối tượng “khiếu kiện chuyên nghiệp” là cứ kiện thì sẽ được giải quyết theo yêu cầu.
Đúng cũng khiếu nại
Theo quy định của Luật Khiếu nại, luật sư có quyền được thay mặt người khiếu nại tham gia khiếu nại ngay từ đầu và chịu trách nhiệm về việc làm của mình, nhưng thủ tục phải được người khiếu nại ủy quyền và phải từ chối nhận làm dịch vụ khiếu nại khi thấy vụ việc đã được cơ quan chức năng giải quyết đúng quy định pháp luật. Các văn phòng luật sư ngoài dịch vụ nhận ủy quyền đi khiếu nại, còn có trách nhiệm giải thích pháp luật, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo và tuyệt đối không được xúi giục, nhận viết đơn khiếu nại cho người khiếu nại để nhận một khoản thù lao.
Quy định là vậy, song trên thực tế theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cho biết, vẫn có nhiều văn phòng luật sư “xé rào”, không cần biết vụ việc đúng, sai thế nào cũng đứng ra nhận làm dịch vụ để hưởng chi phí. Đây là vấn đề quy tắc đạo đức nghề nghiệp đã được quy định rất rõ mà bất cứ luật sư nào khi hành nghề phải chấp hành. “Khiếu nại, tố cáo là quyền của công dân và phải được thực hiện đúng pháp luật. Không ai được lợi dụng quyền này của công dân để trục lợi”, luật sư Hậu nói.
Trong lĩnh vực tố cáo cũng vậy, nhất là ở thời điểm các cấp bộ Đảng đang chuẩn bị tổ chức đại hội. Nhiều nơi phát sinh đơn tố cáo tập trung vào một cá nhân với nội dung không rõ ràng, nặc danh. Qua theo dõi, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều đơn tố cáo có nội dung, hình thức, cách trình bày đơn giống nhau và đều do một người viết. Có trường hợp đơn tố cáo do luật sư nhận ủy quyền của người tố cáo, đưa ra nội dung và tài liệu thiếu kiểm chứng… Theo lãnh đạo Thanh tra TPHCM, những trường hợp này đều trái pháp luật và không được xem xét, giải quyết theo luật định. Người dân cũng nên tỉnh táo, không nghe theo lời xúi giục để khiếu nại, tố cáo trái pháp luật, gây phương hại đến lợi ích của cá nhân và tổ chức.
HOÀI NAM