Đúng 7 giờ sáng giờ Anh ngày 23-6 (13 giờ VN), hàng triệu cử tri Anh bắt đầu đi bỏ phiếu trưng cầu ý dân quyết định tư cách thành viên của quốc gia này tại Liên minh châu Âu (EU), một quyết định không chỉ ảnh hưởng tới tương lai của riêng nước Anh mà còn của cả liên minh có bề dày lịch sử 60 năm này.
Chứng khoán đỏ sàn, dầu, vàng trồi sụt
Ủy ban bầu cử Anh cho biết số người đăng ký tham gia bỏ phiếu đạt mức kỷ lục là 46,5 triệu người. Theo kế hoạch, các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa vào lúc 22 giờ địa phương (4 giờ sáng 24-6 giờ VN). Công tác kiểm phiếu sẽ bắt đầu ngay sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa. Tổng cộng có 382 khu vực kiểm phiếu đã được thành lập trong đó có 380 điểm ở Anh, xứ Wales và Scotland, một khu vực ở Bắc Ireland và một ở vùng lãnh thổ Gilbraltar. Dự kiến kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố sau 10 giờ ngày 24-6 (giờ Việt Nam).
Thủ tướng Anh cùng phu nhân đi bỏ phiếu ủng hộ Anh ở lại EU
Kết quả cuộc khảo sát qua điện thoại do hãng thăm dò ComRes tiến hành cho tờ Daily Mail và truyền hình ITV của Anh, cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ Anh ở lại EU vượt lên dẫn trước 6 điểm so với tỷ lệ ủng hộ Brexit (48%/42%), trong khi cuộc thăm dò do tổ chức YouGov tiến hành cùng thời điểm cho kết quả lần lượt là 51%/49%.
Trong bối cảnh các chỉ số mới nhất cho thấy tỷ lệ người dân Vương quốc Anh lựa chọn đi hay ở lại với EU vẫn tranh nhau từng phần trăm, giá cả tại phiên giao dịch ngày 23-6 trên thị trường toàn cầu trồi sụt thất thường. Tại thị trường New York giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.266,60 USD/ounce, còn giá vàng giao tháng 8/2016 hạ 0,2% xuống 1.270 USD/ounce. Trước đó, giá vàng giao ngay có lúc đã rơi xuống mức thấp nhất trong hai tuần là 1.261,01 USD/ounce. Các chỉ số chứng khoán Down Jones, Nasdaq, S&P cùng giảm theo giá vàng trong khi giá dầu lại tăng nhẹ. Trên sàn giao dịch New York, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 8 tăng lên 49,35 USD/thùng sau khi ghi nhận mức tăng 4,2% vào ngày 17-6. Cùng với đó, giá dầu WTI cũng nhích 0,6% lên 48,27 USD/thùng. Giá dầu vẫn tiếp tục đà phục hồi. Trên thị trường tiền tệ, đồng USD suy yếu so với đồng bảng Anh và được giao dịch ở mức 1,48 USD đổi 1 bảng Anh so với mức 1,43 USD/bảng Anh.
Đi hay ở cùng dở như nhau
Nhật báo The Wall Street Journal của Mỹ đánh giá rằng dù nước Anh ra đi hay ở lại, EU vẫn sẽ thay đổi. Giới phân tích cũng cho rằng cuộc trưng cầu dân ý ở nước Anh, dẫu cho kết quả có thế nào đi nữa, cũng là cơ hội để thúc đẩy một hiệp ước EU mới với kết cấu hai lớp - gồm những quốc gia chủ chốt gắn kết nhiều hơn và các quốc gia ngoại vi chưa gắn kết. Nếu người dân Anh bỏ phiếu đòi rút khỏi EU, điều này sẽ dẫn tới những thay đổi lớn, cùng với nhiều bất ổn.
Tờ Le Monde của Pháp cũng đưa ra Hỏi đáp từ A đến Z về cuộc trưng cầu dân ý và hậu Brexit, đáng chú ý có việc Thủ tướng Anh David Cameron sẽ ra sao nếu Brexit trở thành sự thật? Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Times, David Cameron cho biết ông sẽ vẫn không từ chức Thủ tướng vì cuộc trưng cầu này “không phải là một phán quyết”. Tuy nhiên, trong đảng Bảo thủ có nhiều người đòi ông từ chức nếu Anh rời khỏi EU (Brexit). Chỉ cần 50 nghị sĩ là có thể kích hoạt một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Cameron.
Câu hỏi Brexit sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Anh cũng gây nhiều tranh cãi. Hầu hết các chuyên gia kinh tế muốn Anh ở lại và nói rằng nếu ra đi tốc độ tăng trưởng của Anh sẽ sụt giảm mạnh, đồng bảng yếu đi đáng kể và trung tâm tài chính London sẽ chịu nhiều thiết hại. Kể cả những chuyên gia kinh tế ủng hộ Brexit cũng phải thừa nhận rằng có những tác động tiêu cực trong ngắn và trung hạn. Phải đến năm 2030 Anh mới có thể giàu hơn. Nếu Anh vẫn muốn nằm trong thị trường lớn nhất thế giới với 500 triệu người, chắc chắn các lãnh đạo EU sẽ đưa ra cái giá rất đắt để răn đe các nước khác. Một số vấn đề khác như xin visa, đi du học, du lịch vẫn không thay đổi, tuy nhiên các chương trình do EU tài trợ sẽ chấm dứt nếu Brexit.
Trong khi hàng triệu người dân Anh đang tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc ra đi hay ở lại EU thì kết quả một cuộc thăm dò trực tuyến của hãng Populus đăng trên mạng Twitter cho biết 55% cử tri lựa chọn ở lại, 45% cử tri lựa chọn phương án ra đi. Trong khi đó, kết quả khảo sát khác do hãng Ipsos MORI thực hiện cùng thời điểm với gần 1.600 người tham gia cũng chỉ ra tỷ lệ ủng hộ ở lại dẫn trước cao hơn so với tỷ lệ người muốn ra đi (52%/48%). Những kết quả này có thể tác động lớn đến những cử tri còn đang do dự. |
VIỆT ANH (tổng hợp)