Trung Đông bế tắc

Thương vong mỗi ngày
Trung Đông bế tắc

Cuộc họp khẩn của Liên hiệp quốc nhằm tìm kiếm các biện pháp ngăn chặn tình trạng bạo loạn ở Syria kết thúc mà không đạt được một kết quả cụ thể nào. Lúc này, bạo động ở Trung Đông sau thời gian ngắn tạm lắng lại tái bùng phát dữ dội.

Cảnh sát Ai Cập dọn dẹp lều trại của người biểu tình tại quảng trường Tahrir. Ảnh: AFP

Cảnh sát Ai Cập dọn dẹp lều trại của người biểu tình tại quảng trường Tahrir. Ảnh: AFP

Thương vong mỗi ngày

Ngày đầu tiên của tháng chay Ramadan ở Syria đánh dấu bằng 24 người chết, hơn 10 người bị thương. Còn ở Yemen, hãng thông tấn Saba của Yemen ngày 2-8 cho biết, giao tranh bùng phát rạng sáng 1-8 tại thành phố Taez lớn thứ 2 của nước này, những người dân đã phá hủy xe quân sự và binh sĩ, người biểu tình đã giành quyền kiểm soát một số máy bay chiến đấu. Đợt bạo loạn lần này của người dân Yemen diễn ra theo kế hoạch “Liên minh các bộ tộc của Yemen” để ủng hộ lực lượng chống đối Tổng thống Ali Abdullah Saleh trong vòng 6 tháng tới. Mặc dù Tổng thống Saleh đã kêu gọi liên minh đối lập tiến hành đối thoại với sự trung gian của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và cho rằng “đối thoại là giải pháp hòa bình duy nhất để giải quyết tình trạng bế tắc hiện nay, chấm dứt bạo lực, phá hoại và cực đoan”, Yemen đang đứng trước nguy cơ nội chiến vì đã bị tê liệt do làn sóng biểu tình kéo dài suốt 6 tháng qua.

Dự kiến, ông Saleh sẽ từ Ai Cập trở về nước trong tháng này. Tuy nhiên, bất lợi của ông Saleh là đang mất dần sự ủng hộ của một bộ phận quân đội, các bộ tộc lớn và các thành viên của Hội đồng giáo sĩ rất có ảnh hưởng tại nước này.

Còn tại Ai Cập, AFP đưa tin đụng độ lớn đã xảy ra tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo khi các nhân viên an ninh giải tán những người biểu tình đang cắm trại tràn lan, gây cản trở giao thông nghiêm trọng tại khu vực này. Để phản đối, người biểu tình đã ném gạch, đá về phía lực lượng an ninh. Xung đột làm nhiều người bị thương. Lực lượng an ninh cũng đã bắt giữ nhiều kẻ quá khích.

Trước đó, 26 chính đảng và phong trào chính trị đã tuyên bố ngừng biểu tình sau khi có thông báo liên quan đến phiên tòa xử cựu Tổng thống Hosni Mubarak sắp tới. Dự kiến, phiên tòa xử ông Hosni Mubarak sẽ được truyền hình trực tiếp nhằm đảm bảo độ tin cậy, công khai. Tuy nhiên, nhiều người biểu tình vẫn bất hợp tác.

Ráo riết “chiêu mộ”

Bạo động không dứt khiến các nước phải cầu viện tới lực lượng nước ngoài. Các phương tiện truyền thông Pakistan mấy ngày qua liên tục đăng quảng cáo với nội dung: “Cần gấp nhân lực cho Vệ binh Quốc gia Bahrain” nhằm kêu gọi những người huấn luyện chống bạo động và bảo vệ an ninh Pakistan gia nhập lực lượng vệ binh Bahrain.

Theo mạng Al Jazeera, kể từ khi xảy ra những cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra ở Bahrain từ tháng 2 vừa qua, chính quyền nước này đã hướng đến lực lượng quân đội từ nhiều quốc gia khác, nhất là Pakistan, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) như là “cứu cánh” để tăng cường sức mạnh quân sự cho mình. Tính đến nay, khoảng 2.500 người đã được tuyển dụng cho Bahrain. Những quảng cáo đăng tuyển vẫn xuất hiện trên phương tiện truyền thông Pakistan cho thấy quyết tâm tăng cường quân sự của Chính phủ Bahrain.

Ở một khía cạnh khác, NATO dự định nhanh chóng đánh gục Gaddafi, song thực tế không diễn ra như họ mong muốn. Trong các cuộc xung đột ở Trung Đông, điều quan trọng là lợi ích người dân cần được bảo đảm. AFP cho biết, Pháp tuyên bố nước này đã cung cấp cho phe nổi dậy ở Libya số tiền 259 triệu USD trong các quỹ bị phong tỏa từng thuộc sở hữu của chế độ Muammar Gaddafi.

Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết: “Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) sẽ có thể sử dụng các ngân quỹ này để chi cho viện trợ nhân đạo”. Tân Đại sứ NTC tại Paris, ông Mansur Saif al-Nasr, cho rằng đây là ngân quỹ thuộc về nhân dân Libya và sẽ được sử dụng để mua lương thực và thuốc men. Trong một diễn biến khác cùng ngày, Na Uy đã quyết định rút bốn máy bay chiến đấu F-16 cuối cùng như dự kiến trước đó khỏi chiến dịch không quân do NATO cầm đầu ở Libya.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục