Trung Quốc cho tất cả các cặp vợ chồng sinh 2 con, chuyên gia nói quá muộn

Trung Quốc cho tất cả các cặp vợ chồng sinh 2 con, chuyên gia nói quá muộn

(SGGPO).- Trung Quốc sẽ cho phép tất cả các cặp vợ chồng được sinh 2 con, chấm dứt chính sách 1 con kéo dài nhiều thập niên qua, công bố của Đảng Cộng sản Trung Quốc sau kỳ họp quan trọng kết thúc ngày 29-10, Tân Hoa Xã đưa tin.

Theo các chuyên gia nhân khẩu học, thay đổi này nhằm giúp Trung Quốc đạt các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn vạch ra trong kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. Chính sách thay đổi nhằm cân bằng phát triển dân số và giải quyết những thách thức do dân số lão hóa ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Tân Hoa Xã dẫn lời người đứng đầu Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và y tế quốc gia Li Bin cho biết, chính sách 2 con sẽ tối ưu hóa cấu trúc nhân khẩu, tăng nguồn cung lao động, giảm áp lực từ dân số lão hóa và giúp cải thiện sức khỏe nền kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, dân số nước này đạt 1,368 tỷ người vào cuối năm 2014, trong khi Ấn Độ, dân số thứ nhì thế giới, khoảng 1,25 tỷ người.

Chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc lần đầu tiên áp dụng năm 1979 để kiềm chế tăng dân số với quy định những cặp vợ chồng ở thành thị chỉ có 1 con và các cặp vợ chồng ở nông thôn được có 2 con nếu con đầu là gái. Chính sách này được nới lỏng vào năm 2006 cho các cặp vợ chồng có thể sinh con thứ 2 nếu cả vợ và chồng đều là con một. Bước nới lỏng tiếp theo là vào cuối năm 2013, cho các cặp vợ chồng có thể sinh con thứ 2 khi chỉ vợ hoặc chồng là con một.

Kể từ khi thực hiện, chính sách 1 con đã chứng tỏ thành công trong ngăn đà tăng dân số, giúp giảm ước khoảng 400 triệu người ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách đã tạo một số vấn đề xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động giảm và dân số già.

Theo số liệu chính thức từ năm 2014, Trung Quốc có hơn 212 triệu người trên 60 tuổi (chiếm 15,5% dân số) và 137 triệu người trên 65 tuổi (10,1% dân số).

Lực lượng lao động Trung Quốc trong năm 2012 đạt đỉnh 940 triệu người và giảm còn 930 triệu trong năm 2014. Ước tính lực lượng lao động sẽ giảm khoảng 29 triệu người trong thập niên kết thúc vào năm 2020.

Giáo sư Yuan Xin tại Đại học Nankai ở Thiên Tân nói với Tân Hoa Xã: "Chính sách mới chắc chắn sẽ làm giảm vấn đề lão hóa trong dài hạn, nhưng sẽ có rất ít kết quả trong ngắn hạn. Đến năm 2050, tỷ lệ dân số già sẽ giảm khoảng 1,5%".

Chính sách mới sẽ làm chậm sự giảm dân số trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn sẽ bị dư thừa tổng nguồn lực lao động và thiếu người có tài.

Theo Lu Jiehua, nhà xã hội học tại Đại học Bắc Kinh, trong ngắn hạn, khoảng 100 triệu gia đình trên toàn quốc sẽ hưởng lợi khi được có 2 con.

Khoảng 100 triệu gia đình ở Trung Quốc sẽ hưởng lợi khi được có 2 con. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, sẽ mất thời gian để chứng tỏ tác dụng thực sự. Các cặp vợ chồng thế hệ 7X có thể muốn sinh thêm con thứ 2 trước khi tuổi tác không cho phép, nhưng các cặp vợ chồng thế hệ 8X và 9X sẽ không vội sinh con thứ 2.

CNN dẫn số liệu của Liên hiệp quốc cho biết, dân số Trung Quốc trong độ tuổi lao động (15-59 tuổi) có thể giảm khoảng 7% trong giai đoạn 2010-2030.

Nhiều chuyên gia cho rằng chính sách thay đổi của Trung Quốc sẽ không nhanh chóng giúp nền kinh tế đang chựng lại, bởi vì bùng nổ sinh con, nếu có, sẽ mất hàng thập niên để tăng lực lượng lao động, và nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc có thể chọn - như các cặp vợ chồng phương Tây đã chọn - là chỉ có 1 con.

Chấm dứt chính sách 1 con có thể giúp dân số tăng, hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc đang có mức tăng trưởng yếu nhất kể từ khủng hoảng tài chính, nhưng một số chuyên gia cho rằng chính sách thay đổi hiện nay có thể quá muộn và quá ít.

Chang Liu của Capital Economics cho biết trên CNN: "Việc chấm dứt chính sách 1 con dường như không có tác động lớn trong ngắn hạn với nền kinh tế. Thay đổi này nhắm điều chỉnh cơ cấu nhân khẩu về lâu dài ở Trung Quốc".

Đầu tiên, sẽ mất nhiều năm để các trẻ em sinh ra sau khi chính sách thay đổi đủ tuổi tham gia lực lượng lao động. Và nhiều cặp vợ chồng có thể không muốn có thêm con khi họ chọn tăng chi tiêu cho mức sống tốt hơn.

"Ngay cả trong dài hạn, ảnh hưởng thay đổi này có thể ít hơn nhiều so với mong đợi. Nói chung, người dân có xu hướng sinh ít con hơn khi có thu nhập tăng", Liu nói.

Thêm vào đó, hệ thống bệnh viện và y tế Trung Quốc chưa được chuẩn bị đủ để đáp ứng một sự bùng nổ sinh con. IHS Global Insight cho biết, các cơ sở thai sản ở Bắc Kinh đều đã không còn chỗ để đặt trước cho đến nửa đầu năm 2016, sau khi áp dụng chính sách nới lỏng từ đầu năm 2014, cho các cặp vợ chồng sinh con thứ 2 khi chỉ vợ hoặc chồng là con một.

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục