Cạnh tranh địa chính trị
Phát biểu tại hội thảo, diễn giả chính, TS Bill Hayton, chuyên gia cấp cao thuộc Chương trình châu Á - Thái Bình Dương Viện Chatham House (Vương quốc Anh), cho rằng tranh chấp ở biển Đông là vấn đề phức tạp, không chỉ liên quan giữa Trung Quốc và các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông mà còn liên quan tới sự cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.
Theo TS Bill Hayton, vấn đề tranh chấp ở biển Đông ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), vì đây là vấn đề tác động tới sự ổn định và phát triển của khu vực. TS Bill Hayton kêu gọi EU cần tiếp tục quan tâm hơn nữa tới vấn đề biển Đông, và với thế mạnh của mình, EU cần hỗ trợ các nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông nâng cao năng lực an ninh hàng hải.
Ông Hayton cho rằng Trung Quốc không có chứng cứ và cơ sở pháp lý để đòi hỏi chủ quyền đối với hầu hết biển Đông theo yêu sách “đường 9 đoạn”. Tháng 7-2016, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, trong đó bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về cái gọi là “đường 9 đoạn”. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đi ngược lại luật pháp quốc tế cũng như cam kết của nước này về việc duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước trong khu vực.
TS Bill Hayton nhấn mạnh, trong tiến trình giải quyết tranh chấp biển Đông, một trong những yếu tố quan trọng nhất là cần phải đánh giá bằng chứng mà các nước có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông đưa ra, đồng thời các nước có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông cần thúc đẩy đàm phán, cùng cam kết duy trì hiện trạng, không mở rộng đòi hỏi tuyên bố chủ quyền.
Cần tuân thủ luật pháp
Tại hội thảo, cùng chia sẻ quan điểm với TS Bill Hayton về việc Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi hỏi chủ quyền đối với hầu hết biển Đông theo yêu sách “đường 9 đoạn”, TS Takashi Hosoda, chuyên gia nghiên cứu về an ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trường Đại học Tổng hợp Charles (CH Czech), nhấn mạnh các hoạt động đơn phương của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông, đặc biệt là việc trong hơn 2 tháng qua, Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế khi đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở khu vực gần Bãi Tư Chính. Ông nêu rõ Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp và các tiêu chuẩn giá trị chung của quốc tế.
TS Richard Turcsanyi, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Đại học Palacky Olomouc, cũng bày tỏ quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở biển Đông, tác động tiêu cực tới an ninh khu vực.
Liên quan đến hoạt động của Trung Quốc tại biển Đông, Bộ Quốc phòng Philippines đã bày tỏ quan ngại về hoạt động của các tàu cá Trung Quốc tại khu vực này và cho rằng Bắc Kinh đang tận dụng các tàu cá để kín đáo thực hiện động thái giám sát, tìm kiếm và cứu hộ cũng như hỗ trợ hoạt động của các lực lượng hành pháp.
Theo trang tin Rappler, trong báo cáo vừa công bố, Bộ Quốc phòng Philippines nhận định Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai tàu cá để kiểm soát và phong tỏa biển nhằm tạo nên lợi thế trong khu vực hàng hải nhưng không gây nên căng thẳng trong khu vực.
Trước đó, giới chuyên gia quốc tế đã nhận định Trung Quốc sử dụng đội tàu cá như lực lượng dân quân biển và Bắc Kinh đang nỗ lực trong việc vũ trang hóa lực lượng này để phục vụ yêu sách chủ quyền đơn phương phi pháp tại khu vực.