
Ngày 29-7, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản ToThima Kitazawa lên tiếng yêu cầu Chính phủ Trung Quốc cần minh bạch hơn nữa trong việc cung cấp thông tin về kế hoạch phát triển tàu sân bay của nước này. Tuyên bố được đưa ra 2 ngày sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc lần đầu tiên chính thức xác nhận, nước này đã tân trang một tàu sân bay mua lại của Ukraine có tên gọi Varyag năm 1998 để sử dụng vào mục đích nghiên cứu và huấn luyện quân sự.

Tàu sân bay Thi Lang đang được hoàn chỉnh tại cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.
Mối lo ngại từ các nước láng giềng
Đây là lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc xác nhận nước này đang theo đuổi chương trình tàu sân bay mặc dù trong thời gian gần đây báo chí nước này đã “bóng gió” về chương trình phát triển tàu sân bay. Vào những ngày cuối tháng 6, báo chí Trung Quốc loan tin Bắc Kinh sẽ hạ thủy một chiếc tàu sân bay vào ngày 1-7. Tuy nhiên, chuyến xuất hành tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc phải hoãn đến tận tháng 8, thậm chí đến tháng 10 (theo Hong Kong Commercial Daily và China Times) chứ không thể tiến hành vào đầu tháng 7 như dự kiến của Bắc Kinh vì “trục trặc về mặt kỹ thuật cơ khí”.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kitazawa nói trong thông báo xác nhận tàu sân bay đầu tiên, Chính phủ Trung Quốc không làm rõ vấn đề sử dụng tàu sân bay vào mục đích gì, thời điểm tàu có tên Thi Lang (tên mới của con tàu Varyag) này sẽ được hạ thủy hoặc bắt đầu chạy thử trên biển… cho nên sự không rõ ràng này là một yếu tố gây lo ngại trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Việc tàu sân bay sắp hoàn tất đã khiến một số nước láng giềng của Trung Quốc lo ngại. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith cho rằng, chiếc tàu này có thể được triển khai cùng các tàu chiến khác để tăng cường sức mạnh của Trung Quốc tại các khu vực có tranh chấp, gồm cả biển Đông. Chính quyền Philippines đang tính kế hoạch tăng chi phí quân sự từ 5 tỷ peso lên tới 8 tỷ peso (tương đương 190 triệu USD), trong đó đặc biệt phát triển sức mạnh của hải quân. Riêng Mỹ, trong thời gian qua tập trung khá nhiều hàng không mẫu hạm ở khu vực Đông Á, còn tập trận thường xuyên với các nước trong khu vực, bao gồm cả vùng biển Hoàng Hải cận kề Trung Quốc.
Tàu sân bay để tấn công hay phòng thủ?
Mặc dù Bắc Kinh cho rằng Thi Lang, chiếc tàu sân bay đầu tiên mà họ mua lại đã qua sử dụng của Ukraine, sẽ được dùng để sử dụng vào các mục đích nghiên cứu và huấn luyện quân sự, nhưng theo giới quan sát, tàu sân bay này là một phần trong kế hoạch nhằm hiện đại hóa lực lượng hải quân nước này.
Theo Reuters, Bắc Kinh có kế hoạch tự đóng thêm 2 tàu sân bay khác. Nguồn tin trên được đưa ra cùng thời điểm báo chí Trung Quốc khẳng định sự cần thiết phải có tàu sân bay, coi đây vừa là một niềm tự hào, vừa là phương tiện bảo đảm an ninh cho Trung Quốc trong tương lai. Ngày 27-7, tờ PLA Daily (nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) đã đăng bài xã luận trên trang nhất nhấn mạnh, xây dựng một cường quốc hải quân là một sự lựa chọn tất yếu để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Tuy nhiên, bài xã luận lại nhấn mạnh chính sách quốc phòng và chiến lược quân sự sẽ quyết định Trung Quốc sử dụng tàu sân bay vì mục đích tấn công hay phòng thủ.
Chương trình phát triển tàu sân bay có từ 1985
Báo chí nhắc tới Thi Lang, nhưng trong thực tế kể từ năm 1985, Trung Quốc đã mua lại 4 tàu sân bay “về hưu”: HMAS Melbourne của Australia, Minsk, Kiev và Varyag của Liên Xô trước đây. Trung Quốc đã từng thất bại khi tìm cách mua tàu Clemenceau của Pháp năm 1997. Theo THX, trong giai đoạn đầu, tàu sân bay Thi Lang sẽ phục vụ cho mục đích thử nghiệm để nghiên cứu khả năng Trung Quốc tự đóng tàu sân bay riêng. Sau thời gian thử nghiệm, có thể tàu Thi Lang sẽ chính thức hoạt động vào năm 2015.
Theo AP, Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch đóng 4 tàu sân bay tại Thượng Hải. Chosun Ilbo cho biết, Trung Quốc cũng có kế hoạch phát triển tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân vào năm 2020. Nhưng vì sao cho đến giờ Trung Quốc mới công khai kế hoạch tàu sân bay. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đang muốn “dằn mặt” các nước ven biển láng giềng khi mình đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới.
Hạnh Chi