Hiện nay, trên địa bàn TPHCM, hệ thống đèn tín hiệu giao thông kết nối không đồng bộ khiến hoạt động “chập chờn”, sau vài phút giao thông là bị ùn tắc. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có hướng khắc phục.
Một trụ đèn tín hiệu giao thông chỉ chớp tắt đèn vàng tại ngã tư Tùng Thiện Vương - Cao Xuân Dục. Ảnh: CAO THĂNG
Tín hiệu chập chờn,giao thông tê liệt
Ùn tắc giao thông hiện nay có thể xảy ra bất cứ lúc nào vì hệ thống đèn tín hiệu dỡ chứng “tạm nghỉ”. Tình trạng này thường xuyên xảy ra ở những trục đường chính như Cách Mạng Tháng Tám, Ba Tháng Hai, Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, Lý Thường Kiệt, Trường Chinh, Cộng Hòa… Đơn cử vụ kẹt xe ngày 10-9 vừa qua từ khu trung tâm TPHCM lan ra các quận lân cận như quận 3, Bình Thạnh… khiến hàng ngàn phương tiện khốn đốn. Nguyên nhân do hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên hàng loạt tuyến đường không hoạt động, cụ thể là tại các con đường Nguyễn Thị Minh Khai, Mạc Đĩnh Chi, Võ Văn Tần, Trần Quốc Toản, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Điện Biên Phủ, Bà Huyện Thanh Quan, Tú Xương, Trương Định, Cao Thắng (quận 3), Bùi Thị Xuân, Tôn Thất Tùng (quận 1), Đinh Bộ Lĩnh, quốc lộ 13 (Bình Thạnh)… Một trong những điểm mà đèn tín hiệu hay bị “lúc thức, lúc ngủ” là đường Ba Tháng Hai và Lê Đại Hành, khiến giao thông ùn ứ kéo dài cả tuyến và lan dây chuyền sang các tuyến đường khác. Các loại ô tô và xe buýt, xe gắn máy nhích từng chút một. Khi xảy ra sự cố như vậy, nếu không có lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết, tình trạng giao thông hỗn loạn ngay lập tức xảy ra và kéo dài nhiều giờ liền. Ở hướng Bến xe miền Đông quận Bình Thạnh, hàng loạt chốt đèn tín hiệu cũng thường xuyên rơi vào tình trạng “lúc tỉnh, lúc mê” khiến giao thông trên tuyến quốc lộ 13, Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng kẹt xe thường xuyên.
Riêng hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên đường Cộng Hòa - Trường Chinh - Cách Mạng Tháng 8 (thuộc các quận 12, Tân Phú, Tân Bình) không đồng bộ, thời gian đèn xanh và đèn đỏ chưa phù hợp. Tương tự, tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Thị Thập (quận 7), tín hiệu đèn vừa xanh nhưng xe cộ chưa qua hết ngã tư thì… đèn đã đỏ. Mặc dù lực lượng cảnh sát giao thông luôn túc trực tại các điểm nóng để xử lý sự cố, thế nhưng tình trạng kẹt xe vẫn tiếp diễn. Bởi vì, cứ kẹt đường này thì xe đổ về đường khác không theo hướng cho phép lưu thông, dẫn đến tình trạng các con đường không tiêu thoát nổi lượng xe vào giờ cao điểm.
Khẩn trương xây dựng trung tâm điều khiển
Theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, toàn thành phố hiện có khoảng 4.306 giao lộ lớn nhỏ; trong đó, 841 giao lộ có đèn tín hiệu giao thông. Các hệ thống đèn tín hiệu được đầu tư qua nhiều thời kỳ và từ các dự án khác nhau gồm: 48 chốt đèn đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, sử dụng công nghệ của Pháp (Sagem), đưa vào khai thác năm 2002; 118 chốt đèn đầu tư từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới, sử dụng công nghệ của Tây Ban Nha, đưa vào khai thác năm 2005; 25 chốt đèn đầu tư từ dự án xây dựng đường Võ Văn Kiệt, sử dụng công nghệ của Pháp (Sagem) năm 2010, cùng với 650 chốt đèn được đầu tư bằng công nghệ trong nước.
Cũng theo sở này, các hệ thống đèn tín hiệu giao thông được đầu tư từ các dự án ODA của Pháp và Ngân hàng Thế giới được giao cho Công an TPHCM điều khiển từ Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông. Đến nay, các hệ thống đèn tín hiệu giao thông đều mất kết nối về trung tâm do nhiều nguyên nhân khác nhau, như: mất tần số kết nối đối với dự án ODA của Pháp; thiết bị giao tiếp tại tủ bị hư hỏng (không tìm được thiết bị thay thế vì phải nhập từ nước ngoài); hệ thống cáp quang và đầu dò bị hư hại do quá trình thi công hạ tầng kỹ thuật… đối với dự án ODA của Ngân hàng Thế giới. Hiện chỉ có 25 chốt đèn tín hiệu giao thông trên tuyến Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ được kết nối điều khiển từ Trung tâm Quản lý đường hầm Thủ Thiêm thuộc Sở GTVT. Còn lại hầu hết các chốt đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn thành phố đều hoạt động ở chế độ độc lập, điều khiển thủ công.
Trước thực trạng trên, Sở GTVT xác định việc ứng dụng giao thông thông minh trong công tác quản lý giao thông là bắt buộc. Theo đó, sở đã kiến nghị thành phố xây dựng một trung tâm điều khiển giao thông mới nhằm mục đích ứng dụng công nghệ thông tin để điều khiển các hệ thống đèn tín hiệu giao thông, hệ thống camera quan sát và biển quang báo điện tử, hệ thống đo đếm phương tiện, xử lý vi phạm, trung tâm điều khiển ITS, nhằm phục vụ công tác quản lý giao thông đảm bảo an toàn, vận hành liên tục 24/24 giờ.
Dự án “Nâng cấp hệ thống điều khiển giao thông hiện hữu phục vụ công tác điều hành giao thông đô thị” có tổng kinh phí dự kiến khoảng 300 tỷ đồng, nhưng hiện nay vẫn chưa có nguồn vốn đầu tư. UBND TPHCM chấp thuận chủ trương cho Sở GTVT chọn nhà đầu tư liên doanh Viettel - FSV (Công ty toàn cầu về tư vấn và cung cấp giải pháp công nghệ thông tin) xây dựng hệ thống này. Theo các chuyên gia, sau nhiều năm đầu tư mở rộng làn đường, xây nhiều cầu vượt, làm một số tuyến đường mới..., tình hình kẹt xe tại TPHCM vẫn chưa được khắc phục. Nguyên nhân do hệ thống tín hiệu giao thông thiếu đồng bộ, thiếu kết nối. Đầu tư xây dựng trung tâm điều khiển giao thông thông minh là hết sức cần thiết đối với đô thị có mật độ phương tiện lớn như TPHCM. Vì vậy, thành phố cần khẩn trương đầu tư chứ không thể trông chờ vào doanh nghiệp.
QUỐC HÙNG