Trưởng đặc khu không thể đứng trên pháp luật!

"Chắc chắn ngay từ bước đầu tiên thì quyền lực, quyền hạn trao cho người đứng đầu đặc khu phải cao hơn những nơi khác, nhưng như thế không có nghĩa là để xảy ra lạm quyền", theo ĐB Hoàng Văn Cường.
Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, chia sẻ ngắn gọn quan điểm của ông với phóng viên Báo SGGP về mô hình đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt.

* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, trong quản lý nhà nước, vấn đề kiểm soát quyền lực luôn được đặt ra. Mô hình đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt, với quyền lực tập trung vào thiết chế Trưởng đặc khu, trong đó có 21 thẩm quyền vốn chỉ thuộc Thủ tướng Chính phủ, đây lại càng là câu hỏi đáng quan tâm. Ông có bình luận gì?

- ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG: Chú ý ở đây là đặc khu hành chính - kinh tế. Chúng ta đã có nhiều khu kinh tế, nhưng đây không chỉ là kinh tế. Ở mô hình này, thẩm quyền của địa phương, tính tự quyết và khác biệt của địa phương đó so với các đơn vị hành chính khác trong cả nước được nhấn mạnh. Tinh thần là tôi rất ủng hộ.

Tuy nhiên, cần có cơ chế kiểm soát làm sao để tạo tính tự chủ, tự quyết cho đơn vị không đồng nghĩa với việc đặt quyền lực vào tay một cá nhân người đứng đầu đó, mà quyền lực ấy được giao cho cộng đồng vì mục tiêu phát triển của địa phương và nằm trong hệ thống luật pháp chung của quản lý nhà nước.

Nếu ta có một hệ thống kiểm soát tốt như thế thì vừa phát huy được năng lực thế mạnh của địa phương, vừa đảm bảo tính ổn định và nằm trong định hướng chung của quốc gia.

Trưởng đặc khu không thể đứng trên pháp luật! ảnh 1 ĐBQH Hoàng Văn Cường
* Trong ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu), ông thấy đặc khu nào có tiềm năng phát triển nhanh hơn cả?

- Mỗi khu có một thế mạnh, tiềm năng khác nhau, do đó cần có chiến lược khác nhau, nếu đi đúng chiến lược, phát huy đúng tiềm năng thì đều có thể phát huy được thế mạnh.

Ví dụ khu kinh tế Vân Phong, hiện nay đã hoạt động, nhưng còn rất ít nhà đầu tư vào. Nhưng nếu ở đây phát triển tốt công nghiệp logistic, tôi tin là Vân Phong sẽ phát triển rất mạnh.

Phú Quốc khách du lịch đang đổ vào rất đông, cần phải phát triển rất mạnh hạ tầng cho du lịch dịch vụ.

Vân Đồn thì chúng ta lại thấy có thể trở thành khu không đơn thuần du lịch dịch vụ hay logistic mà có khả năng kết hợp cả sản xuất công nghiệp, dịch vụ và du lịch.

Trưởng đặc khu không thể đứng trên pháp luật! ảnh 2 Một góc Phú Quốc nhìn từ  trên cao
* Chính phủ đề nghị 2 phương án tổ chức hành chính cho đặc khu, nhưng đề nghị chọn phương án phân quyền rất mạnh cho Trưởng đặc khu… Ông thấy sao?

- Như tôi đã nói là không phải ngay một lúc trao tất cả các quyền có Trưởng đặc khu, muốn làm gì phải thực hiện từng bước trong điều kiện, khả năng có thể kiểm soát. Chắc chắn ngay từ bước đầu tiên thì quyền lực, quyền hạn trao cho người đứng đầu đặc khu phải cao hơn những nơi khác, nhưng như thế không có nghĩa là không kiểm soát, để xảy ra lạm quyền. Tôi cho là nếu chúng ta có một cơ chế kiểm soát thì cũng không lo lạm quyền.

* Ông bình luận gì về đề nghị quyền miễn trừ với Trưởng đặc khu? 

- Tôi cho là không nên đặt ra việc đó. Anh đã sống ở đặc khu, có luật về đặc khu riêng rồi thì phải tuân thủ luật pháp, dù có là người đứng đầu đặc khu đi nữa.

Một khi đã làm đúng quy định về trách nhiệm quyền hạn dành cho mình rồi thì không bao giờ sợ bị vi phạm, không đến quyền miễn trừ. Nếu cho miễn trừ lại thành ra đặt người đó lên trên luật pháp, dẫn đến độc đoán, chủ quan. Nhưng chính vì thế mà trong Luật về đặc khu, chúng ta phải cân nhắc, quy định đầy đủ, kín kẽ để mô hình này phát huy hết thế mạnh, tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội mong muốn.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục