Thời gian qua, hàng loạt chương trình truyền hình từ cũ đến mới, từ ca nhạc đến game show đồng loạt chuyển hướng sang ghi hình phát sóng thay vì truyền hình trực tiếp. Đây là điều khá lạ trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, đồng thời đòi hỏi của người xem cũng ngày càng nâng cao và xu hướng truyền hình trực tiếp đáng ra phải ngày càng chiếm lĩnh.
Nói “không” với trực tiếp
Chiếm lĩnh giờ vàng vào cuối tuần trên những kênh truyền hình có tỷ suất người xem cao, trước đây hầu hết đều là những game show, chương trình truyền hình thực tế hay chương trình ca nhạc định kỳ phát sóng trực tiếp. Thế nhưng gần đây, xu hướng này đã dịch chuyển. Hàng loạt chương trình ca nhạc trong khung giờ vàng vào tối thứ bảy của kênh VTV9 cũng sẽ nói “không” với trực tiếp mà thay vào đó là hình thức ghi hình phát lại. Cụ thể, từ tháng 10-2015, khung giờ từ 20 giờ đến 22 giờ thứ bảy hàng tuần trên kênh VTV9 đã được nhà sản xuất Jet Studio “bao trọn”. Tuy nhiên, nếu trước đây các chương trình của đơn vị này sản xuất đều truyền hình trực tiếp thì hiện nay, Jet Studio chỉ còn trực tiếp mỗi chương trình Tình khúc vượt thời gian, những chương trình còn lại như Sol vàng, Âm nhạc và bước nhảy và Sài Gòn đêm thứ bảy đều chuyển sang hình thức ghi hình phát lại.
Nhà sản xuất Khang Media cũng tập trung lựa chọn hướng đi này với hàng loạt chương trình ghi hình phát lại, từ những chương trình thi thố âm nhạc cho đến hài như Solo cùng bolero, Cười xuyên Việt, Cùng nhau tỏa sáng, Cười xuyên Việt (phiên bản người nổi tiếng). NSƯT đạo diễn Vũ Thành Vinh, đại diện Khang Media cho biết, đến thời điểm này tất cả các chương trình của Khang Media đều chọn hình thức ghi hình phát sóng, chỉ còn duy nhất chương trình Dấu ấn phiên bản mới sẽ trở lại trong tháng 10 này là truyền hình trực tiếp và cũng sẽ thay đổi kênh phát sóng từ VTV9 sang HTV.
Một “tân binh” mới nổi trong làng sản xuất chương trình truyền hình là Điền Quân cũng chọn cách đi này với hàng loạt chương trình mua bản quyền từ các nước như Thách thức danh hài, Tuyệt đỉnh giác quan, Thiên đường ẩm thực và sắp tới là Người hùng tí hon… hay Công ty Blue Light với Ca sĩ giấu mặt sẽ phát sóng trên Đài Truyền hình Vĩnh Long cũng chọn hình thức ghi hình phát sóng. Ngay cả những “đại gia” trong lĩnh vực sản xuất chương trình như Đông Tây Promotion cũng chọn hình thức này với không ít chương trình như Người bí ẩn, Ơn giời! Cậu đây rồi hay mới nhất là Bước nhảy ngàn cân…
Rõ ràng, trong xu thế đáng ra truyền hình trực tiếp phải ngày càng chiếm lĩnh màn ảnh nhỏ thì việc các đơn vị sản xuất và nhà đài đồng loạt chọn hình thức ghi hình phát sóng là điều đáng để đặt câu hỏi.
Bước thụt lùi của truyền hình Việt?
Theo đạo diễn Vũ Thành Vinh, sở dĩ các chương trình giải trí có xu hướng chuyển sang ghi hình phát sóng trong khi đúng ra theo xu hướng thì truyền hình trực tiếp phải tăng lên là do hiện nay các chương trình truyền hình thực tế, game show hài tăng lên, có thể kể hàng loạt như Nhân tố bí ẩn, Ơn giời! Cậu đây rồi, Cười là thua, Cười xuyên Việt, Thách thức danh hài… Những định dạng chương trình như thế này nếu làm trực tiếp sẽ gặp nhiều khó khăn vì các diễn viên hài thường khi diễn bung nhiều mảng miếng trong khi thời lượng thì có hạn và phải thêm nhiều hiệu ứng khác cũng như cắt gọt cho “sạch sẽ” trước khi phát sóng. Đặt trong bối cảnh chung, khi cái này phát triển đương nhiên cái khác phải thu hẹp. Vô hình trung có cảm giác ngày càng ít chương trình truyền hình trực tiếp. Một vấn đề khác là yếu tố rating. Nếu chương trình trực tiếp rating cao hơn chương trình không trực tiếp thì chắc chắn nhà sản xuất phải cân nhắc lựa chọn. “Tuy nhiên, với những thử nghiệm của Khang Media thời gian qua rõ ràng những chương trình như Cười xuyên Việt, Cùng nhau tỏa sáng… dù không trực tiếp nhưng lượng người xem vẫn cao. Một chương trình ghi hình phát sóng mà vừa đảm bảo tính an toàn vừa đảm bảo rating thì không có lý gì phải trực tiếp vì trực tiếp rất tốn kém”, đạo diễn Vũ Thành Vinh cho biết.
Một tiết mục trong chương trình Cùng nhau tỏa sáng
Không chỉ những game show hay chương trình truyền hình thực tế mang yếu tố hài hước, gần đây những chương trình ca nhạc ghi hình phát sóng cũng nhiều hơn, có thể kể đến Tình ca Việt, Solo cùng Bolero của Khang Media hay Sol vàng, Âm nhạc và bước nhảy, Sài Gòn đêm thứ bảy của Jet Studio… Có một thực tế các chương trình giải trí, ca nhạc sau một thời gian đã bão hòa. Người ta muốn xem trực tiếp là để tận hưởng sức nóng, sự tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả cũng như sự thăng hoa của nghệ sĩ… nhưng hiện tại những điều này cũng không còn nhiều trong những chương trình trực tiếp. Trong tình thế đó, xem một chương trình được cắt gọt, dàn dựng chỉn chu, hình ảnh chau chuốt phát sóng định kỳ, đôi khi cho khán giả sự cảm nhận trọn vẹn hơn.
Bài toán chi phí
Có nhiều lý do khiến các chương trình ca nhạc giải trí quay về xu hướng ghi hình phát sóng nhưng một trong những lý do quan trọng mà các nhà sản xuất đều cùng chung nhận định đó là bài toán chi phí sản xuất. Theo ông Đỗ Văn Bửu Điền, đại diện Công ty Điền Quân, không phải ngẫu nhiên truyền hình thực tế ngày càng phát triển trên thế giới bởi khán giả ngày càng thích xem những gì diễn ra “thật” hơn là dàn dựng. Các nhà tài trợ cũng thích các chương trình truyền hình trực tiếp vì tính tương tác cao, chứa đựng những yếu tố bất ngờ, gay cấn thu hút khán giả… Tuy nhiên, làm trực tiếp bao giờ cũng phức tạp hơn chương trình ghi hình phát sóng. Chi phí cho một chương trình truyền hình trực tiếp lại rất lớn, có khi gấp nhiều lần chi phí sản xuất một chương trình bình thường nên đôi khi lực bất tòng tâm. “Như chương trình Người hùng tí hon là truyền hình thực tế, chúng tôi rất muốn làm trực tiếp, ít nhất là ba vòng cuối cùng nhưng sau khi cân nhắc mọi yếu tố, nhất là kinh phí quá cao so với kế hoạch nên chỉ có thể làm trực tiếp đêm chung kết. Hy vọng chương trình sẽ tạo hiệu ứng tốt để sang mùa hai có thể thuyết phục nhà đài cũng như tài trợ để tăng số chương trình trực tiếp lên”, ông Bửu Điền cho biết.
Mặt khác, việc thời gian qua các chương trình trực tiếp để xảy ra một số sự cố đáng tiếc trên sóng truyền hình cũng khiến cho các nhà sản xuất, nhà đài chọn giải pháp ghi hình vì sẽ kiểm soát tốt hơn, độ rủi ro cũng ít hơn.
Rất khó để nói việc các chương trình ghi hình phát sóng thay thế chương trình trực tiếp có phải bước thụt lùi của truyền hình Việt hay không nhưng rõ ràng, về góc độ nghề nghiệp, rất nhiều nhà sản xuất vẫn muốn làm các chương trình trực tiếp hơn, bởi đó là xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, như nhận định của đạo diễn Vũ Thành Vinh, xu hướng các chương trình ghi hình phát sóng xem ra vẫn sẽ chiếm lĩnh sóng truyền hình, ít nhất trong vòng 2-3 năm tới.
| |
GIA BÌNH