Ước tính cứ 100 cuốn sách được trẻ em, thanh thiếu niên Việt Nam tìm đọc thì truyện tranh chiếm 70 - 80 cuốn. Đó là kết quả từ các cuộc khảo sát xã hội học của một trường đại học và một cơ quan truyền thông lớn. Con số này càng được củng cố hơn khi nhìn vào hệ thống xuất bản trong nước thì hai trong tổng số bốn NXB có doanh thu lớn nhất cả nước là đơn vị xuất bản mạnh về truyện tranh (NXB Kim Đồng và NXB Trẻ).
Trẻ em Việt Nam thích đọc truyện tranh, đó là chuyện ai cũng thấy, truyện tranh mang lại nguồn thu to lớn cho các nhà làm sách, đó cũng là chuyện đương nhiên. Vấn đề còn lại là nguồn truyện tranh, sản phẩm văn hóa có ảnh hưởng lớn đến giới trẻ Việt Nam đến từ đâu và có ảnh hưởng gì đến bạn đọc thì không phải ai cũng hiểu thấu đáo.
Hiện nay, đa số truyện tranh có mặt trên thị trường trong nước đến từ Nhật Bản (manga), một số ít đến từ Hàn Quốc (Manhwa), Trung Quốc (Manhua), riêng dòng truyện tranh Âu - Mỹ (Comic) khá hiếm hoi, chủ yếu tồn tại dưới dạng truyện tranh trực tuyến. Đặc điểm chung của tất cả các dòng truyện tranh này đều ở chỗ chúng không chỉ dành cho trẻ em đọc. Sự phân chia này thể hiện rõ nhất ở dòng truyện tranh manga, chỉ tính riêng các thể loại chính thì manga đã có đến 23 thể loại khác nhau.
Chính vì tính phức tạp về nội dung như vậy nên ở Nhật, chính phủ kiểm soát khá nghiêm khắc về việc bán các loại sách này. Người làm sách đều phải ghi rõ sách của mình dành cho đối tượng bạn đọc nào và tại các cửa hàng sách, nhà sách đều phải quản lý người mua sách, nhất là trẻ em. Nếu ai bị phát hiện bán cho trẻ em các loại sách không đúng độ tuổi, nơi bán sẽ bị phạt nặng thậm chí là đi tù.
Thế nhưng, khi về Việt Nam tâm lý chung của bạn đọc trong nước đều đánh đồng rằng “truyện tranh là dành cho thiếu nhi”. Thế là, dù cho trên bìa cuốn truyện tranh được ghi rõ dành cho bạn đọc thanh thiếu niên hay trưởng thành thì các bậc phụ huynh vẫn mua cho con đọc.
Thậm chí, nhiều phụ huynh còn khoán trắng việc mua sách cho con và những đứa trẻ có thể dễ dàng tìm mua những cuốn truyện tranh không dành cho độ tuổi của mình ở bất kỳ nơi đâu, từ nhà sách lớn cho đến quầy sách ven đường. Và rồi một ngày nào đó khi tình cờ đọc được những cuốn truyện tranh có nội dung không phù hợp, các bậc phụ huynh lại lo lắng, kêu cứu rằng “sách thiếu nhi có nội dung xấu” dù những “nội dung xấu” đó vốn lại là nội dung bình thường của bạn đọc thanh thiếu niên.
Có dạo người ta đã đề xuất cấm in truyện tranh dành cho thanh thiếu niên, người lớn ở Việt Nam. Thế nhưng, nếu vậy thanh thiếu niên hay người trưởng thành ở Việt Nam phải chịu thiệt thòi khi không thể tiếp cận một sản phẩm văn hóa rất phát triển của thế giới.
Để “hóa giải”, với người đọc là việc lựa chọn kỹ hơn các đầu truyện khi mua, nhất là mua cho con. Việc này vốn dĩ rất đơn giản khi các NXB lớn, có uy tín đều có ghi chú rất rõ ràng trên mỗi đầu truyện tranh của mình về độ tuổi phù hợp. Với nhà làm sách thì việc đầu tư thực hiện các bộ truyện tranh do những tác giả trong nước thực hiện đang là một hướng đi hiệu quả.
TƯỜNG VY