TS Hoàng Thế Bân: Chính sách thu hút chuyên gia của TPHCM nên uyển chuyển hơn

Ở thời điểm hiện tại, TS Hoàng Thế Bân là chuyên gia duy nhất đang làm việc tại TPHCM theo chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của thành phố. Trò chuyện với PV Báo SGGP, vị chuyên gia có 23 năm học tập, làm việc ở Nhật Bản, đã chia sẻ về công việc hiện tại cũng như góp ý với chính sách thu hút nhân tài của TPHCM.
TS Hoàng Thế Bân
TS Hoàng Thế Bân

- Phóng viên: Cơ duyên nào đưa ông từ Nhật Bản trở về TPHCM làm việc?

TS HOÀNG THẾ BÂN: Năm 1993, khi đang là giảng viên Đại học Khoa học Huế, tôi nhận được học bổng của Chính phủ Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp, tôi được tham gia chương trình sau tiến sĩ, rồi ở lại làm việc tại các viện, trường và một số công ty lớn của Nhật. 

Năm 2012, có đoàn đại biểu của TPHCM sang Tsukuba học tập mô hình xây dựng thành phố khoa học, tôi dẫn đoàn đi tham quan phòng thí nghiệm. Lãnh đạo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM lúc đó rất tâm đắc và cho biết TPHCM có chương trình thu hút chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài. Chúng tôi trao đổi thường xuyên và đến năm 2016 tôi quyết định về nước, làm việc tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Năm 2019, chương trình thu hút chuyên gia lúc đó kết thúc, TPHCM ban hành chính sách mới (Nghị quyết 20/2018 của HĐND TPHCM). Lúc đó, dù có doanh nghiệp (DN) Nhật Bản mời về làm việc, nhưng tôi quyết định ở lại, tiếp tục những công việc còn dở dang.

- Ông có thể chia sẻ thêm về công việc hiện tại, những khó khăn đang gặp phải? 

Tôi làm việc tại Khu Công nghệ cao TPHCM với tư cách chuyên gia, tập trung vào đào tạo nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng để phục vụ cho DN. Tôi nhận thấy có khoảng cách giữa đào tạo đại học và nhu cầu của DN. Các bạn trẻ học đại học xong cần được đào tạo thích nghi để có thể làm việc cho DN. Chúng tôi đã kêu gọi vốn ODA của Nhật Bản, mời các chuyên gia Nhật đào tạo cho nhân viên, kỹ sư của Khu Công nghệ cao TPHCM về tự động hóa, robot. Khi dự án kết thúc lại sử dụng các thiết bị Nhật Bản hỗ trợ cùng nhân sự đã được phía bạn đào tạo để đào tạo lại cho DN trong và ngoài Khu CNC. Chúng tôi còn kêu gọi được một dự án đào tạo kỹ năng trong 5 năm, tạo hiệu quả tích cực, được DN đánh giá cao. Trong vườn ươm, tôi kết nối nhà đầu tư Nhật Bản, hội thảo giao lưu công nghệ với các bạn trẻ đang khởi nghiệp để giúp họ xây dựng mô hình kinh doanh, chiến lược phát triển. Ở Trung tâm Nghiên cứu phát triển, tôi giúp các bạn xây dựng các chương trình dự án, trong quá trình nghiên cứu, phát triển vật liệu và thương mại hóa.  

Quá trình làm việc, cái khó khăn nhất là ngân sách hạn chế để mua thiết bị. Giải pháp của tôi là liên kết với DN Hàn Quốc, Nhật Bản để họ trang bị cho mình. 

- Là người tham gia hai chương trình thu hút chuyên gia của TPHCM, ông có cảm nhận gì về chính sách này? 

Từ thực tế tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cho thấy đóng góp của các chuyên gia Hoa kiều, Nhật kiều, Hàn kiều là rất lớn. Tôi có niềm tin là chương trình này nếu làm tốt cũng chắc chắn mang lại nhiều lợi ích cho TPHCM. 

Nhưng từ năm 2019 đến nay, số người quan tâm đăng ký chương trình gần như không có. Theo tôi, chuyên gia, nhà khoa học là đối tượng đặc biệt, khác hoàn toàn nguồn nhân lực khác, nên các chính sách thu hút kêu gọi cần uyển chuyển hơn cách làm thông thường. Việc chúng ta đưa 3 đối tượng này vào trong một quyết định với cùng một khung đãi ngộ, tôi nghĩ cách làm đó chưa hợp lý. 

Về đãi ngộ, nếu so với chương trình thử nghiệm lúc đầu, TPHCM chỉ đưa ra hạn mức tối đa về lương bổng (không quá 150 triệu đồng/tháng - PV), thì chương trình hiện nay đưa ra con số cụ thể, thành ra làm khó cho các đơn vị. Theo tôi, cần có khoảng mở để hài hòa giữa các bên. 

- Để thu hút được nhiều chuyên gia, nhà khoa học về đóng góp, TPHCM nên làm gì trước tiên?

Bên cạnh các chính sách, trước tiên, thành phố cần phải tạo cơ hội để cung - cầu gặp nhau, tạo cơ hội cho các chuyên gia, nhà khoa học được giao lưu, tiếp xúc với các đơn vị ở trong nước. Có thể hình thành một trung tâm là nơi hội tụ những chuyên gia, nhà khoa học nhiều thế hệ, họ có nơi ở lại, giao tiếp với những đơn vị trong nước có nhu cầu nhân lực trình độ cao.

Đoàn giám sát của Ban Văn hóa xã hội HĐND TPHCM do Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND TPHCM Cao Thanh Bình làm trưởng đoàn, vừa thực hiện giám sát một số đơn vị về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 20/2018 của HĐND TPHCM về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TPHCM có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018-2022. Tại đây, các đơn vị gồm khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Nông nghiệp công nghệ cao đã nêu thực tế khó khăn và một số kiến nghị trong thực hiện nghị quyết này.

Tin cùng chuyên mục