Từ 1-7, kiểm soát gắt thịt nhập khẩu

Để kiểm soát nguồn thịt gia súc, gia cầm đang ồ ạt nhập về Việt Nam và tồn đọng ở các cảng, gây ùn tắc, Bộ NN-PTNT vừa hoàn thiện xong thông tư cũng như các tiêu chuẩn về việc thắt chặt kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) với thịt nhập khẩu bắt đầu từ ngày 1-7.

Để kiểm soát nguồn thịt gia súc, gia cầm đang ồ ạt nhập về Việt Nam và tồn đọng ở các cảng, gây ùn tắc, Bộ NN-PTNT vừa hoàn thiện xong thông tư cũng như các tiêu chuẩn về việc thắt chặt kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) với thịt nhập khẩu bắt đầu từ ngày 1-7.

Thịt đông lạnh tồn ở các cảng

Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết trong 5 tháng đầu năm nay, lượng thịt ngoại nhập về Việt Nam tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Riêng thịt heo hơn 500.000 tấn, chủ yếu là đầu, tai, chân, đuôi... Tuy nhiên, do nhiều tháng qua cả nước chịu ảnh hưởng của dịch tai xanh nên hậu quả hàng ngàn tấn thịt đông lạnh (chủ yếu heo và gà) nhập về vẫn tồn đọng tại các cảng Đình Vũ, Tân Cảng thuộc Hải Phòng; Cát Lái (TPHCM) và cả cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh).

Trước tình trạng các doanh nghiệp ồ ạt nhập khẩu thịt về Việt Nam, người chăn nuôi và các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước lo ngại, bởi nếu Nhà nước không có cơ chế điều tiết nguồn thịt ngoại nhập khẩu thì sẽ gây sức ép lên các nhà chăn nuôi trong nước. Lâu nay, việc kiểm soát chất lượng cũng như số lượng thịt nhập khẩu còn dễ dãi. Trong khi đó, thịt nhập về chủ yếu là phụ phẩm của động vật, khó bảo đảm ATVSTP, có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Kiểm soát từ gốc tới ngọn

Sau khi liên tục xảy ra các vụ “thịt bẩn” nhập ồ ạt vào Việt Nam vào năm 2008 và những tháng đầu năm 2009, Bộ NN-PTNT đã giao cho Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản soạn thảo thông tư về các tiêu chuẩn, quy trình quản lý, kiểm tra chất lượng thịt nhập khẩu. Mới đây, Bộ NN-PTNT đã ban hành thông tư trên, bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2010. Trước đây, việc kiểm soát chất lượng ATVSTP đối với nguồn thịt nhập khẩu chủ yếu giao cho Cục Thú y thực hiện ở các cửa khẩu. Nay theo thông tư mới, các quy định quản lý chất lượng ATVSTP sẽ nghiêm ngặt hơn, theo nguyên tắc kiểm soát tận gốc và theo chuỗi, tức là có thể kiểm soát chất lượng thực phẩm từ nước xuất khẩu thịt.

Theo đó, để có thể xuất khẩu thịt vào Việt Nam, cơ quan chức năng của nước xuất khẩu phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam tên các cơ sở sản xuất kinh doanh đáp ứng được các điều kiện ATVSTP mà chúng ta quy định và chỉ những đơn vị này mới được phép xuất hàng vào Việt Nam.

Các lô hàng nhập khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận ATVSTP do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp. Tất cả các lô hàng nhập khẩu vào Việt Nam phải được đảm bảo sản xuất bởi cơ sở kinh doanh đã được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận. Mặt khác, sản phẩm nhập khẩu, ngoài quy trình kiểm tra tại cửa khẩu, nơi tập kết sẽ còn được kiểm tra, giám sát quá trình lưu thông trên thị trường.

Các quy định trong thông tư mới khá chặt chẽ nên có dư luận cho rằng, để “né” thông tư trên, thời gian qua các doanh nghiệp đã ồ ạt nhập thịt về Việt Nam, bỏ tại các cảng, đóng thùng đông lạnh để chờ sau ngày 1-7 tung ra tiêu thụ. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT khẳng định, tất cả các lô thịt nhập khẩu về đều phải thông qua quy trình kiểm tra chặt chẽ. Nếu phát hiện lô hàng nào không đảm bảo, dứt khoát yêu cầu chủ hàng phải tái xuất, đồng thời có văn bản cảnh báo gửi cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu. Tất cả các lô hàng vi phạm, ngoài việc buộc phải tái xuất hoặc tiêu hủy, cơ quan chức năng có thể đình chỉ nhập khẩu đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm.

PHÚC VĂN

Tin cùng chuyên mục