Chiều qua, 13-10, tại Hà Nội, Bộ LĐTB-XH đã họp báo công bố về các Nghị định mới ban hành của Chính phủ về tăng tiền lương tối thiểu (LTT) trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Cụ thể, Nghị định số 110/2008/NĐ-CP quy định mức LTT vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động. Nghị định số 111/2008/NĐ-CP quy định mức LTT vùng đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam (gọi tắt là FDI).
Theo đó, từ 1-1-2009, mức LTT cao nhất đối với lao động tại doanh nghiệp trong nước là 800.000 đồng/tháng; đối với lao động ở doanh nghiệp FDI là 1,2 triệu đồng/tháng. Việc điều chỉnh mức LTT cho người lao động trong các doanh nghiệp FDI và trong nước nằm trong lộ trình cải cách tiền lương, hướng tới thống nhất mức LTT giữa các loại hình doanh nghiệp vào năm 2012.
Ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Lao động Tiền lương, Bộ LĐTB-XH cho biết, thay vì chia làm 3 vùng như mọi năm, năm nay LTT trong doanh nghiệp sẽ chia làm 4 vùng, sát với mức tiền công, tiền lương và mức sống tại mỗi vùng. Cụ thể, mức LTT của lao động ở doanh nghiệp trong nước sẽ lần lượt là: 800.000; 740.000; 690.000 và 650.000 đồng/tháng. Mức LTT của lao động ở doanh nghiệp FDI là: 1.200.000; 1.080.000; 950.000 và 920.000 đồng/tháng.
Như vậy, so với hiện hành, LTT vùng tại doanh nghiệp trong nước sẽ tăng trung bình khoảng 25%; LTT vùng tại doanh nghiệp FDI tăng ít hơn, khoảng 20%. So với tốc độ tăng giá tiêu dùng hiện nay, mức tăng này không phải là cao. Tuy nhiên, ông Huân cho rằng: “Trong bối cảnh lạm phát, cả doanh nghiệp và lao động cần có sự chia sẻ”. Ông Huân cũng giải thích, LTT của doanh nghiệp FDI tăng chậm hơn là để đạt mục tiêu năm 2012 sẽ thống nhất mức LTT giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Như vậy, từ năm 2008-2012, mức LTT sẽ được điều chính hàng năm, tiến tới thống nhất mức LTT giữa các loại hình doanh nghiệp vào năm 2012.
Cả nước hiện có 9,5 triệu người làm việc trong doanh nghiệp, trong đó khối FDI là 1,5 triệu người. Tuy nhiên, ông Huân cũng cho rằng, tăng LTT không đồng nghĩa với việc tất cả lao động đều được tăng lương từ 1-1-2009. Bởi thực tế trong bối cảnh lạm phát, hầu hết doanh nghiệp đã tăng lương bằng hoặc cao hơn mức LTT mới ban hành. Vì vậy, các Nghị định này chỉ có tác dụng đối với một số ít lao động có mức lương thấp, vì sẽ được điều chỉnh.
Vẫn theo ông Huân, việc tăng LTT vùng sẽ làm tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp, mức tăng dự kiến 1,3-1,7% tổng chi phí đầu vào. Điều này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp vừa nhỏ gặp khó khăn. Tuy nhiên, đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, các doanh nghiệp cũng nhận thấy trong thời buổi lạm phát, phải tăng lương để bù đắp một phần cho lao động và cũng để giữ chân lao động.
Theo quy định, mức LTT vùng dùng để trả công đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các doanh nghiệp; tính các mức lương trong thang lương, bảng lương, các loại phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng và thực hiện các chế độ khác do doanh nghiệp xây dựng và ban hành theo thẩm quyền do pháp luật lao động quy định. Đối với người lao động đã qua học nghề thì doanh nghiệp phải trả cao hơn ít nhất là 7% so với mức LTT vùng.
Trước lo ngại cho rằng, các doanh nghiệp nếu không kịp trả lương mới cho người lao động sẽ khó tránh khỏi đình công vào cuối năm, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, việc công bố mức lương sớm (gần 3 tháng), kết hợp với việc phổ biến xuống doanh nghiệp để họ công bố phương án thực hiện trước 25/12 chắc chắn sẽ giúp lao động yên tâm, tránh tình trạng đình công.
Q.Phương