Danh sách 27 liệt sĩ của Trung đoàn 207, Quân khu 8 cũ tại Phòng Chính sách Quân khu 9 (hy sinh ngày 3-10-1973 tại ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) đều là những chiến sĩ giải phóng quân vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam chiến đấu để rồi vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này khi còn rất trẻ. Trong danh sách ấy, lúc đầu có tên Nguyễn Trần Oanh nhưng như một phép màu, anh lại là người duy nhất sống sót trở về sau trận càn khốc liệt ấy…
Căn nhà cấp 4 của gia đình anh Nguyễn Trần Oanh nằm sâu trong con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo gần mé sông tại TP Cần Thơ. Anh bộc bạch: “Quê tôi ở Hưng Yên, tháng 10-1970, khi tôi đang học năm thứ 3 Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì có lệnh tổng động viên. Sau khi được huấn luyện, sinh viên chúng tôi được chia thành từng nhóm nhỏ về các đơn vị chiến đấu”. Sau những tháng vượt Trường Sơn “mưa dầm cơm vắt” vào đến chiến trường miền Nam, anh cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh.
Anh nhớ lại: “Ngày 2-10-1973, đơn vị tôi được lệnh hành quân qua vùng Đá Biên để về chiến trường Đồng Tháp Mười. Hành quân từ 5 giờ sáng hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, ai nấy đều thấm mệt nên đơn vị đành ém quân tại ấp Đá Biên để đợi đêm đến sẽ tiếp tục. Nào ngờ, khi bộ đội đang núp trong rừng tràm thì bị địch phát hiện, chúng liền huy động máy bay trực thăng và pháo hạng nặng nã vào nơi đơn vị trú đóng làm 27 đồng chí hy sinh... Riêng tôi bị đạn găm khắp cơ thể, chỉ còn đầu và cánh tay trái là không dính đạn”.
Sau trận đánh, địch tiếp tục bao vây rừng tràm suốt 10 ngày nhằm không cho quân ta vào vớt xác liệt sĩ. Lúc đó, dù bị thương nặng nhưng anh vẫn cố bò vào bụi cây mắc cỡ mọc giữa đồng vắng để ẩn náu. Hàng ngày, anh vơ cỏ dại và bất cứ thứ gì có thể nhai được để sống qua ngày. Cũng may, vùng đầm lầy toàn nước phèn mặn có thể cầm máu và không gây nhiễm trùng nên anh không chết. Cho đến khi địch rút lui, bộ đội ta mới bí mật vào vớt xác liệt sĩ treo tạm lên các cây tràm để chờ khi nước rút sẽ chôn. Mọi người tưởng rằng tất cả đã hy sinh. Vì vậy trong danh sách liệt sĩ hy sinh tại ấp Đá Biên có tên anh, sau đó đơn vị đã gửi giấy báo tử về quê cho cha mẹ anh.
Anh kể tiếp: “Tôi núp trong bụi gai và ngâm mình trong nước đến ngày thứ 19 thì thấy hai mẹ con chị nông dân đi làm ruộng. Tôi nghĩ, lỡ kêu cứu mà gặp người của địch thì cũng chết, mà cứ nằm ở đây lâu rồi cũng chết. Thôi thì đằng nào cũng chết, thà cứ kêu cứu biết đâu gặp được người tốt”. Nghĩ thế, anh thều thào: “Tôi là bộ đội đây…”. Nghe tiếng người phát ra trong bụi cây, hai mẹ con chị nông dân vội lao đến rồi dùng mái chèo ra sức nâng bụi cây mắc cỡ lên để anh chui ra và đưa anh về một lán bí mật gần bờ sông nuôi giấu.
Hàng ngày, hai mẹ con chị tìm cách che mắt địch qua cổng ấp chiến lược mang cơm ra lán nuôi anh và giấu thuốc men trong người để mang chữa vết thương cho anh. Sau một tuần nằm trong lán, anh chợt nghe tiếng nói vọng vào: “Đồng chí bộ đội đâu?”. Nhận ra người đến đón mình là đồng chí Phạm Hậu, chính trị viên đại đội trinh sát của trung đoàn, anh mừng vô cùng vì biết mình thoát chết, được trở về với đồng đội. Cho đến nay, sau gần 40 năm trôi qua, mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc từ cõi chết trở về ấy anh vẫn còn rùng mình.
Sau khi điều trị các vết thương tạm ổn, anh tiếp tục cùng đơn vị chiến đấu đến cuối cuộc chiến. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh trở về thăm quê, nhìn anh “hiện hình” trở về, cha mẹ anh không tin nổi mắt mình, ôm chầm lấy anh, khóc nức nở. Mọi người vội dẹp bàn thờ anh và chạy ra xã báo tin anh vẫn còn sống. Sau này, anh trở lại chiến trường xưa tìm hai mẹ con chị nông dân để cảm ơn nhưng rất tiếc không gặp. Giờ đây, anh cùng vợ con sinh sống tại phường Bình Thủy, TP Cần Thơ. Là một cựu chiến binh gương mẫu, một thương binh nặng và một đảng viên gần 40 năm tuổi Đảng, lúc nào thiếu tá Nguyễn Trần Oanh cũng phát huy phẩm chất tốt đẹp anh bộ đội Cụ Hồ.
Minh Ngọc