Từ Đồng Hới, bên cửa biển Nhật Lệ, tôi được điều động vào chiến trường B5 ở miền Nam. Tháng 4 năm 1975, tôi theo Sư đoàn 325 cũ của tôi thời đánh Pháp tiến vào giải phóng Sài Gòn. Khi nhân dân Sài Gòn đang nô nức vui mừng đón quân giải phóng thì tôi đã tìm đến Cảng Sài Gòn nhìn thuyền, nhìn sông, mà tưởng tượng lại cái tàu thủy đã đón Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5 tháng 6 năm 1911…
Tôi nhớ lại, đầu năm 1947, lúc mặt trận Huế vỡ, Trung đoàn 101 của chúng tôi bị Pháp đuổi chạy lên chiến khu Thừa Thiên. Những ngày đói rét, gian khổ ở chiến khu Hòa Mỹ, đêm đêm tôi vẫn tìm đến lán của anh Nguyễn Chí Thanh để nghe anh kể chuyện Bác Hồ, và ước mơ làm sao có ngày sẽ được gặp Bác Hồ và tìm thăm cái nơi Bác Hồ đã tạm biệt Tổ quốc để ra đi…
Từ đó, tôi đã tham gia chiến đấu khắp chiến trường Bình Trị Thiên rồi trở thành quân tình nguyện Việt Nam đi đánh Pháp giúp nhân dân Lào và Campuchia. Năm 1954, ta thắng giặc Pháp, chúng tôi rút quân về ở quanh Đồng Hới, bảo vệ vùng Quảng Bình, Vĩnh Linh, vĩ tuyến 17. Ở Đồng Hới, Quảng Bình, ước mơ của tôi đã thành sự thật: Cả Sư đoàn 325, con em của nhân dân ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và riêng tôi đã được gặp Bác Hồ từ Hà Nội vào thăm Sư đoàn đóng quân tại Quảng Bình.
Hồi đó, Sư đoàn 325 đóng quân ở Bàu Tró, cạnh thị xã Đồng Hới. Ngày 15 tháng 6 năm 1957, đội điện ảnh và đoàn văn công sư đoàn đang sinh hoạt ở Phòng Chính trị, thì anh Hoàng Thái, Chính ủy Sư đoàn, chạy xuống báo tin “Chuẩn bị sáng mai dậy sớm, hành quân đi đón Bác Hồ”. Chúng tôi vui sướng ôm lấy nhau reo mừng. Không biết sẽ hành quân đến tận đâu mới được gặp Bác. Mọi người đang bàn tán xôn xao, không ai chú ý có chiếc xe bị thụt bánh xuống rãnh cát trên đường vào nhà anh Thái. Nghe tiếng máy xe rú hết “ga” mà chiếc xe vẫn không tiến lên được. Chúng tôi nhìn cả ra đường thấy anh Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, từ trên xe bước xuống, đưa tay vào trong xe đón một ông già. Ông già vịn vai anh Thanh bước xuống, đưa mắt nhìn quanh. Chúng tôi reo lên: “Ai như Bác Hồ!”. Từ trong nhà, anh Thái và một số cán bộ vội vàng chạy ra. Chúng tôi vẫn đứng yên trong nhà ngắm nhìn Bác mà không dám chạy ra đón Bác. Bỗng Bác vẫy chúng tôi, Bác nói:
- Nào các cô, các chú, ra giúp một tay.
Như chim sổ lồng, chúng tôi kêu lên: “Bác!” và chạy ùa ra, không phải ra đẩy xe mà vây lấy Bác. Bác cười, bắt tay chúng tôi và nói:
- Nào. Dô ta nào!
Bác đứng lùi lại, đặt hai tay vào thành xe khom khom lưng chuẩn bị đẩy xe lên. Chúng tôi làm theo Bác.
- Dô ta nào! - Bác nói. Chiếc xe rú máy. Tôi cố lách đến gần Bác, muốn đưa vai mình vào đẩy cho chỗ Bác nhẹ bớt đi. Chẳng phải riêng tôi, ai cũng nghĩ như thế thành ra chỗ Bác đứng chật ních. Một tay chúng tôi đẩy xe, một tay phòng đỡ Bác khỏi ngã. Khi chiếc xe chạy vụt lên, chúng tôi đều đứng lại ôm lấy Bác. Bác bảo:
- Các cháu về ăn cơm chiều, rồi lại đây chơi với Bác.
Đến nhà ăn, tôi cố ăn qua loa cho nhanh để đến chỗ Bác sớm hơn mọi người. Nhưng lúc tôi đến đã thấy mấy vòng người đứng chờ đó. Lát sau Bác ra. Đôi mắt sáng ngời của Bác trìu mến nhìn chúng tôi rồi ung dung bước ra ngoài sân cát.
Bác ra hiệu cho mọi người ngồi, rồi Bác ngồi xệp xuống cát một cách thoải mái. Các cô văn công cố chen đến gần Bác. Bác nói:
- Cháu nào có chuyện gì vui, bài hát nào hay, cho Bác nghe với.
Chúng tôi cảm động nhìn nhau. Bác hiền từ nhìn chúng tôi khắp lượt như khuyến khích. Gió biển lồng lộng thổi hơi nước mát mẻ làm rung rung chòm râu và mái tóc bạc phơ của Bác. Bác cởi cúc áo, vẫy anh Thanh đến bảo đi lấy một cái gì đó. Lát sau anh Thanh bưng ra một khay kẹo đặt bên Bác. Những cái kẹo bọc trong giấy bóng màu lóng lánh rất đẹp.
- Thế này nhé - Bác đưa ngón tay trỏ lên, ra hẹn - Cháu nào hát, ngâm thơ hoặc kể một chuyện ngắn mà hay, sẽ được thưởng bốn cái kẹo. Cháu nào hát chưa hay hoặc bỏ dở giữa bài, chỉ được thưởng hai cái thôi. Bằng lòng chưa?
- Thưa Bác rồi ạ.
Người hát đầu tiên là đồng chí Mãng. Mãng hát bài “Chiến sĩ anh hùng”. Giọng anh rè rè, hát mà như nói vậy. Chúng tôi nhìn nhau: “Kiểu này e Bác chỉ thưởng cho sức lao động thôi”. Bài hát dứt. Bác vỗ tay, Bác hỏi:
- Trong bộ đội cháu làm nghề gì?
- Thưa Bác, cháu nấu ăn ạ.
- Hát chưa hay nhưng mạnh bạo hát trước, thưởng cháu đây.
Tiếp đó Hương Nhu và Minh Tấn hò mái nhì một bài, ca ngợi cảnh bà con chèo thuyền đi đánh cá trong một đêm trăng trên cửa biển Nhật Lệ.
Rồi đến lượt Lê Lự lên ngâm thơ.
- “Thương nhất anh nuôi” - Bác nhắc lại tên của bài thơ và hỏi Lự - Bài đó ai làm?
- Dạ…
Thấy Lự hơi ngập ngừng, vài người ngồi cạnh nhanh nhảu thưa:
- Dạ của Lưu Trùng Dương ạ.
Bác đưa tay trao kẹo cho Lự và dịu dàng dặn:
- Ngâm thơ hay, nhưng cần phải biết tên của người làm thơ.
Tôi đứng dậy xin hát.
Bác nhìn tôi: Cháu bắt đầu hát đi.
Tôi hát. Mãi đến nay tôi còn nhớ mình hát bài “Bắc Sơn”, nhưng cũng chẳng nhớ mình hát có trôi chảy gì không. Chỉ nhớ lúc ấy Bác chăm chú nhìn tôi và lắng nghe. Bài hát dứt. Bác cho tôi đến bốn cái kẹo và âu yếm hỏi:
- Sao người cháu xanh thế? Cháu ở mặt trận nào về?
Thì ra nãy giờ Bác chú ý đến nét mặt xanh xao vì bệnh sốt rét của tôi. Nước mắt tôi chực trào ra, cổ họng nghẹn lại không thốt nên lời. Tôi nghe loáng thoáng tiếng anh Thái trả lời hộ. Biết tôi từ mặt trận Lào về, Bác lại trao thêm kẹo và bảo:
- Cháu cố ăn uống thuốc thang cho mau khỏe.
Bác đang hỏi chuyện tôi thì cô Khuyên văn công giật giật tay áo Bác. Bác cúi xuống hỏi Khuyên:
- Cháu định nói gì với Bác thì nói đi!
Khuyên ấp úng rồi rụt rè nói:
- Thưa Bác… từ ngày cha mẹ cháu sinh cháu ra, đây là lần đầu tiên cháu được gặp Bác.
Bác cười, thủng thẳng nói với Khuyên:
- Từ ngày cha mẹ sinh ra Bác, đây cũng là lần đầu tiên Bác được gặp cháu.
Mọi người cười vui, thích thú với câu nói vui, hóm hỉnh của Bác. Còn Khuyên thì ôm cánh tay Bác mà khóc.
Chúng tôi thay nhau hát cho Bác nghe mãi mới tiễn Bác về nhà anh Thái.
Đêm đó, Bác ngủ ngoài hiên trải chiếu bộ đội trên nền xi măng.
Chúng tôi cũng ra cả ngoài hiên nhà mình nhìn sang nhà anh Thái. Thấy Bác và anh Thanh, anh Thái vẫn không ngủ, cứ chuyện trò rì rầm.
Đêm đó, chúng tôi cũng thức rất khuya. Ai nấy cứ nằm thì thầm về chuyện Bác. Chốc chốc lại nhổm dậy nhìn về phía Bác nằm, lắng tai nghe ngóng. Bầu trời trong và cao vời vợi. Những ngôi sao gần, sao xa đều sáng lấp lánh như vừa từ dưới biển mọc lên. Gió từ khơi xa thổi vào từng đợt, từng đợt mang theo mùi muối mặn, cứ lao xao trên các cành dương liễu. Ngoài khơi xa, biển vẫn thức, vẫn cất giọng trầm trầm, đều đều muôn thuở ấy mà ru đất liền.
Ngoài sân, người cảnh vệ đi đi lại lại, nghe rõ tiếng bao lưỡi lê đập vào báng súng lách cách. Về sau này, lúc tôi được tháp tùng anh Nguyễn Chí Thanh về hợp tác xã Đại Phong, anh Thanh kể lại cái đêm bên cửa biển Nhật Lệ, Bác nằm thao thức mãi. Khi anh Thái mời Bác hãy ngủ một chút để mai dậy sớm bởi chương trình có thay đổi. Vì thời tiết xấu, Bác phải bay về Hà Nội trước 7 giờ sáng. Trước khi ngủ, Bác nói với hai anh Thanh, Thái rằng: “Quê mình ở huyện Nam Đàn, xứ Nghệ… Rồi từ Cảng Sài Gòn đi qua Pháp, Nga, Trung Quốc; có lúc đến các nước châu Phi, châu Âu, châu Mỹ, thế mà hôm nay chỉ mới đến được Đồng Hới, Quảng Bình. Chưa về được miền Nam yêu dấu! Mẹ mình mất ở Huế. Mộ cha thì ở Cao Lãnh… Quê mình thực sự kéo dài trên cả nước”.
Bốn giờ sáng, chúng tôi lên xe đến sân vận động Đồng Hới, nơi toàn sư đoàn và nhân dân đã tập hợp đón Bác. Xe chúng tôi vừa chuyển bánh một lúc, đã nghe tiếng xe của Bác nổ máy, theo sau.
Ở sân vận động Đồng Hới, điện sáng trưng. Cán bộ và chiến sĩ toàn sư đoàn và đồng bào đã hàng ngũ chỉnh tề đón Bác. Năm giờ, Bác nhanh nhẹn bước lên lễ đài mở đầu buổi nói chuyện, Bác hỏi thăm sức khỏe bộ đội, đồng bào, nhờ anh em chuyển lời hỏi thăm của Bác tới gia đình các chiến sĩ… Bác nhắc tới đồng bào miền Nam, tới nhiệm vụ bộ đội và nhân dân Quảng Bình Vĩnh Linh đối với cả nước… Mọi lời Bác nói thân tình giản dị như lời cha già căn dặn con cháu.
Bộ đội và đồng bào ngồi nhìn Bác, ai nấy rưng rưng nước mắt. Cuối cùng, Bác nói:
- Lẽ ra Bác ở lâu hơn, nhưng chỗ báo thời tiết nhắc Bác phải về trước 7 giờ. Nếu chậm, tàu bay sẽ không bay được. Trước lúc xa nhau, Bác cháu ta hát chung một bài: “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh”. Nào hai, ba!
Bác cất giọng và đánh nhịp cho chúng tôi hát. Lúc bài hát dứt, thì Bác không còn đứng đó nữa. Biết Bác đã đi rồi, lòng chúng tôi tự nhiên thấy trống trải lạ thường.
Cho đến lúc thấy chiếc máy bay chở Bác lượn nửa vòng trên bầu trời Đồng Hới rồi bay ra phương Bắc, tôi chợt ước thầm: “Gió ơi, hãy khoan nổi lên. Trời hãy cứ đẹp như vậy cho tàu bay đưa Bác về tới Hà Nội”.
Đến tận bây giờ, sau 54 năm kể từ ngày được gặp Bác, tôi trở lại Đồng Hới, đứng bên tấm bia kỷ niệm, nơi Bác đã từng ở lại một ngày và ngủ một đêm bên cửa Nhật Lệ, mà lòng nao nao nhớ lại ngày được gặp Bác
Nhà văn TRẦN CÔNG TẤN