Từ năm tháng hoa lửa

Kỷ vật bước ra từ những năm tháng kháng chiến trường kỳ của dân tộc, kết nối câu chuyện của một thế hệ can trường, hiến dâng tuổi trẻ cho đất nước; để thế hệ hôm nay nhắc nhớ và tự hào, trân trọng và giữ gìn.

Thư viết từ chiến trường

Từ cuối năm 1959 đến năm 1975, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc với tinh thần tự nguyện, đã bí mật vượt dãy Trường Sơn để vào Nam công tác và chiến đấu với mật danh “đi B”. Bên cạnh những người lính trực tiếp cầm súng, đoàn “đi B” còn có những cán bộ, y bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, văn nghệ sĩ, nhà báo,... để phục vụ cho muôn mặt đời sống của chiến trường miền Nam. Nhiều nhà báo, phóng viên chiến trường không quản ngại nguy hiểm, lăn lộn nơi chiến trường khốc liệt, dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cùng đồng bào miền Nam kháng chiến chống Mỹ.

cn4-ghi-chep-9464.jpg
Khách tham quan chuyên đề “Kỷ vật thời kháng chiến” tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Ảnh: QUỐC THANH

Lá thư của người cầm bút nơi chiến trường năm ấy, có tình cảm gia đình, có những nhớ thương ẩn sau hai tiếng Tổ quốc và đồng bào. Ngày 14-5-1968, phóng viên Đỗ Văn Nhân viết: “…Xa em sao bố thấy thương em nhiều. Thương nhiều lắm... Em hãy cứ tin rằng anh của em lúc nào cũng khỏe và chắc chắn sẽ về với em một ngày không xa lắm. Thế là trong hai đứa chúng ta, bố của em đã thật sự tham gia cách mạng, tham gia phong trào đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Em bố ở nhà phát huy những được tính tốt của người phụ nữ Việt Nam là chung thủy đảm đang, thế là gia đình ta, gia đình mà anh nghĩ là hạnh phúc”.

Người ở hậu phương năm ấy, không chỉ vẹn tình trọn nghĩa tào khang, mà còn nung nấu một tinh thần sẵn sàng tham gia khi tiền tuyến cần. Lá thư ngày 1-6-1968, bà Lê Thị Tuyến (gửi chồng Đỗ Văn Nhân) có đoạn: “Phải chôn sâu tất cả mọi nỗi vấn vương trong đáy lòng ta để sống và làm việc phải không bố? Và tất nhiên cuộc sống ấy phải là một cuộc sống có lý tưởng bố nhỉ. Em rất tiếc là không được cùng đi với bố, bố ạ, không phải chỉ là để gần bố đâu, bố đừng hiểu em như thế nhé, mà là để được cùng bố tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại hiện nay của chúng ta”.

Nơi chiến trường khốc liệt, lớp lớp người nằm xuống năm ấy, không chỉ vì bom đạn, mà còn vì những trận sốt rét rừng đến xanh xao cơ thể… Liệt sĩ, phóng viên Đỗ Văn Nhân sinh ngày 28-1-1934 tại xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, tham gia cách mạng từ năm 1959. Từ một thợ ảnh, năm 1966 ông đã trở thành một phóng viên ảnh chiến trường làm việc cho Việt Nam Thông tấn xã. Năm 1967, tại Phân xã đặc biệt Nam khu IV (Bắc Trung bộ), ông bị thương và được phân công về Thông tấn xã Giải phóng tại Phân khu Nam thuộc Trung Trung bộ. Nhưng không lâu sau, vào ngày 8-3-1969, ông đã mãi mãi nằm lại chiến trường, một phần do vết thương, một phần do căn bệnh sốt rét.

Dân công hỏa tuyến

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, xã Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, TPHCM) là nơi bộ đội xuất phát tấn công vào nội thành Sài Gòn và nhận tiếp tế của nhân dân. Để phục vụ chiến dịch, hàng đêm từng nhóm thanh niên, phụ nữ tham gia các đoàn dân công tải đạn, tải thương cho chiến trường.

Đêm 15-6-1968 (nhằm 20-5 âm lịch) đoàn dân công khoảng 60 người vận chuyển vũ khí cho mặt trận. Trên đường đến đồng bưng, đoàn bị trực thăng Mỹ phát hiện. Chúng đã dùng đèn máy bay rọi sáng cả vùng và bắn đại liên xối xả vào đoàn người. Đoàn dân công có 32 người hy sinh tại chỗ (trong đó có 25 nữ và 7 nam) và 21 người bị thương (16 nữ và 5 nam). Ngay đêm đó, bà con xung quanh bất chấp nguy hiểm công khai đi vào bưng với xe bò, võng, cáng... để đưa những người bị thương còn lại về trong xóm, ấp chăm sóc và đưa các dân công hy sinh về tổ chức an táng.

Hiện vật nằm trang trọng trong không gian trưng bày của chuyên đề “Kỷ vật thời kháng chiến” tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh có chiếc xe bò của ông Nguyễn Văn Dần. Những dòng thuyết minh cho hiện vật khiến người ta không khỏi xót xa: “Trong đêm 15-6-1968, ông Nguyễn Văn Dần đã dùng chiếc xe bò này chở 2 chuyến gồm 7 thi thể dân công (trong đó có con gái của ông) từ đồng bưng về làng để các gia đình nhận và chôn cất”. Bên cạnh chiếc xe bò, là nồi nấu cơm của bà Lê Thị Khuynh (nguyên nữ dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc) dùng để nấu 60 vắt cơm chờ đội dân công về ăn. Nhưng tin chờ đã thành tin buồn! Phần chú thích bên cạnh cái nồi là lời kể của bà Lê Thị Khuynh: “Tối hôm đó, tôi được lệnh ở nhà nấu cơm cho những người đi tải đạn, bỗng nhiên tôi nghe thấy súng nổ vang trời, tôi nghi có chuyện chẳng lành thì một lúc sau có đến 7-8 người trong đoàn dân công, ai nấy trên mình bê bết máu chạy vào nhà tôi. Tôi lấy rượu rửa vết thương cho từng người, chiếc mùng mền ướt đẫm máu, máu chảy khắp nhà”…

Dừng lại thật lâu trước một kỷ vật đau thương từ trong năm tháng đạn bom còn dày xéo quê hương, Nguyễn Hoàng Nhật Phương (20 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Chuyên ngành học của tôi liên quan đến các công việc thiết kế cảnh quan, kiến thức lịch sử trong sách vở thì có giới hạn, câu chuyện và hiện vật như thế này lần đầu tiên tôi tìm hiểu. Thật sự thán phục và cúi đầu trước tinh thần anh dũng của thế hệ ông cha mình, mọi người đã sống một cuộc đời thật gan dạ và trọn tình trọn nghĩa”.

Ngày - tháng - năm ấy đã thuộc về lịch sử, lớp người ngã xuống góp phần làm nên dáng hình của Tổ quốc hôm nay. Nhân chứng lịch sử người còn người mất, nhưng kỷ vật dẫu là cây bút, lá thư vẫn được thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục giữ gìn. Từ kết nối này, để mỗi người trong chúng ta, nhất là lớp trẻ thấy được một thời hoa lửa, gan dạ, can trường; có tình yêu đôi lứa, tình thương gia đình, tình đồng chí, đồng đội… để cùng chung một khát vọng ngày non sông thống nhất.

Thư của liệt sĩ Đỗ Văn Nhân và vợ có lẽ sẽ hơi khá xa lạ với bạn đọc miền Nam, bởi cách hành văn mang đậm nét địa phương Bắc bộ. Khi Đỗ Văn Nhân vào chiến trường, vợ ông ở nhà đang nuôi 2 con nhỏ, vì thế trong thư viết cho vợ có lúc ông dùng cách gọi thay con là xưng bố của em.

Tin cùng chuyên mục