Từ ngày 1-7, thị trường xuất bản trở về đúng quỹ đạo?

Từ ngày 1-7, thị trường xuất bản trở về đúng quỹ đạo?

Chuyện về xuất bản sách cho đến giờ vẫn được coi là một bài toán hóc búa đối với các nhà quản lý. Theo con số thống kê được công bố, năm 2012 có đến 374 triệu xuất bản phẩm có mặt trên thị trường (tăng 2% so với năm 2011), song đi cùng với con số đáng khích lệ đó là không ít các thảm họa in ấn, dịch thuật, sách lậu… đã bị phơi bày trên báo chí.

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

        Xuất bản liên tiếp mắc lỗi

Trong vài tháng đầu năm 2013, hàng loạt lỗi trong lĩnh vực xuất bản do buông lỏng quản lý trong khâu biên tập, liên kết, thiếu nhạy bén chính trị, thiếu trách nhiệm trong thực hiện quy trình xuất bản… đã được phát hiện. Một điều đau lòng là lỗi không chỉ được phát hiện ở những cuốn sách in lậu, trôi nổi hay của các đơn vị nhỏ lẻ, kém uy tín mà ngay cả một số nhà xuất bản (NXB) được xem là “cây đa, cây đề” trong giới xuất bản cũng “đỡ” nhầm nhiều cuốn sách kém chất lượng. Có thể kể đến sai phạm của NXB Giáo dục, trong sách giáo khoa cho học sinh lớp 1 in bản đồ đất nước lại thiếu hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hay ngay một đơn vị được coi là “đại gia” trong lĩnh vực xuất bản là NXB Trẻ cũng đã phải “muối mặt” xin lỗi độc giả, đồng thời tự thu hồi sách khi phát hiện sai sót nghiêm trọng khi in nhầm ảnh Lê Quý Đôn thành ảnh Nguyễn Trãi trong bộ sách Kiến văn tiểu lục (2 tập) của Lê Quý Đôn do NXB Trẻ phối hợp với NXB Hồng Bàng ấn hành. Hay hàng loại các cuốn sách được coi như người bạn song hành với các bé ở tuổi mẫu giáo, mầm non và học sinh tiểu học: Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ (Công ty Văn hóa Hương Thủy và NXB Dân Trí), Bé làm quen với chữ cái (Hành trang cho bé chuẩn bị vào lớp 1, Công ty CP Dịch vụ Văn hóa Sư phạm và NXB Đại học Sư phạm), 10 phút trước giờ cho bé đi ngủ (tập 2: Bồi dưỡng tình cảm) và Trắc nghiệm trí tuệ toàn diện cho trẻ (Công ty Đinh Tỵ và NXB Mỹ thuật)… đã in cờ Trung Quốc thay vì cờ Tổ quốc trong phần minh họa. Chỉ kể đến những lỗi được coi là sơ đẳng nhất này cũng khiến dư luận không khỏi hoang mang, nghi ngờ về chất lượng của sách.

Cùng đó, nhiều tồn tại trong lĩnh vực này cũng không thể không kể tới như: xuất bản tác phẩm không thông qua NXB; nạn in lậu, in trái phép, vi phạm quyền tác giả diễn ra khá phổ biến; vẫn còn hiện tượng in ấn, sao chụp trái phép và phát tán các tài liệu sai trái, bất hợp pháp; phát hành xuất bản phẩm có nội dung bị cấm, mê tín dị đoan vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời và triệt để gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Phân tích về những sai phạm này, nhiều quan điểm cho rằng lỗi xuất phát từ chính hoạt động liên kết xuất bản với giới làm sách tư nhân. Cả nước hiện có 64 NXB và chỉ một ít trong số đó có năng lực để tự tồn tại. Đa số NXB còn lại thường chọn giải pháp đơn giản nhất là liên kết xuất bản với các công ty truyền thông, đơn vị làm sách ngoài công lập - một hình thức của việc bán giấy phép xuất bản. Số liệu của Cục Xuất bản cho thấy, có những NXB chiếm tới 90% sách liên kết, con số thường thường cũng xấp xỉ 30%, 35%. Không thể phủ nhận sự thay đổi rõ rệt làm phong phú thị trường sách nhưng chính sự liên kết xuất bản cũng tạo ra nhiều sai phạm khi phía đối tác vì áp lực doanh thu, lợi nhuận, thị hiếu đám đông mà bỏ qua nhiều giá trị tinh thần vốn là thuộc tính ngàn đời của sách.

        Đề cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân

Với con số sách “có vấn đề” trong năm 2012 được Cục Xuất bản đưa ra là 51 cuốn, chỉ chiếm 0,18% sách xuất bản nhưng như Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn đã cảnh báo: mỗi cuốn sách có nội dung không tốt luôn gây nên những hệ lụy vô hình, tác động khó lường đến đời sống xã hội, đến xúc cảm thẩm mỹ và nhận thức của người đọc. Chính vì thế, cùng với việc Luật Xuất bản sửa đổi năm 2012 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7 tới được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong xuất bản - lĩnh vực được coi là có tác động mạnh tới nhận thức xã hội.

Hầu hết các xuất bản phẩm vi phạm trong thời gian qua đều là sản phẩm của việc liên kết xuất bản.

Hầu hết các xuất bản phẩm vi phạm trong thời gian qua đều là sản phẩm của việc liên kết xuất bản.

Luật Xuất bản sửa đổi năm 2012 xác định rõ, Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản. Chính vì vậy vai trò trách nhiệm của NXB hay của giám đốc, tổng biên tập rất quan trọng trong việc quyết định cho ra đời một tác phẩm. Một số điểm mới so với luật cũ là quy định rất rõ tiêu chuẩn, quyền hạn, trách nhiệm của giám đốc, tổng biên tập cũng như biên tập viên các NXB. Đây cũng là lần đầu tiên biên tập viên (không kể hoạt động tại NXB hay đơn vị liên kết) muốn hành nghề phải có chứng chỉ. Như vậy, từ đây đội ngũ biên tập viên sẽ phải chuẩn bị đi học, chuẩn hóa bằng “chứng chỉ” để khi luật có hiệu lực thì mới “danh chính, ngôn thuận” để tiếp tục hành nghề. Trên thực tế, việc cấp chứng chỉ cũng là dịp hệ thống lại đội ngũ quan trọng này, phần nào nâng cao vị thế, vai trò, khuyến khích nghề biên tập viên phát triển, đồng thời là căn cứ để quản lý cũng như xử phạt vi phạm về xuất bản. Cụ thể, nếu để xuất bản phẩm do mình biên tập bị cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy; hay trong một năm có hai xuất bản phẩm, hoặc trong hai năm liên tục có xuất bản phẩm sai phạm về nội dung mà buộc phải sửa chữa mới được phát hành thì biên tập viên sẽ phải “tạm chia tay” chứng chỉ. Người bị thu hồi chứng chỉ, sớm nhất phải hai năm sau mới được xét cấp lại. Điều này không chỉ nâng cao trách nhiệm cá nhân mà ngay cả các đối tác liên kết cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra những sai phạm trong hoạt động xuất bản. Ngoài việc nâng cao hình thức phạt hành chính, bổ sung thêm hình phạt ngừng hoạt động, thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với tổ chức, cá nhân khi có sai phạm trong hoạt động xuất bản. Các đơn vị làm sách cũng kỳ vọng việc quy trách nhiệm hình sự khi phát hiện ra hoạt động in lậu, in nối bản không đúng quy định của pháp luật nếu ở mức độ nghiêm trọng sẽ đủ sức răn đe tệ nạn sách lậu đang hoành hành làm mất sức đề kháng của thị trường xuất bản.

Thời hạn 1-7 đã đến nhưng theo ông Nguyễn Kiểm, Chủ tịch Hiệp Hội Xuất bản cho rằng tại thời điểm này mặc dù Luật Xuất bản sửa đổi năm 2012 chính thức có hiệu lực nhưng vẫn chưa thực sự tạo ảnh hưởng tới thị trường xuất bản. Trước hết là do “độ trễ” trong việc triển khai các văn bản hướng dẫn dưới luật, ông Nguyễn Kiểm phân tích, khiến các đối tượng liên quan chưa có những bước chuyển đổi kịp. Ví dụ như việc cấp chứng chỉ cho các biên tập viên thì tới thời điểm này vẫn chưa được triển khai và sẽ đẩy hàng hoạt những người làm biên tập sách làm việc sau ngày 1-7 trở thành người vi phạm luật…

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi (Công ty Sách Chibooks): Không thể phủ nhận vai trò của các đơn vị liên kết xuất bản (tức xuất bản tư nhân) trong nhiều năm qua đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành xuất bản Việt Nam. Bên cạnh việc góp phần làm gia tăng số lượng xuất bản phẩm, lượng đầu sách nước ngoài mà họ đã mua bản quyền cùng nhiều hoạt động giao lưu tác giả - tác phẩm, chăm chút các hoạt động đằng sau cuốn sách… đã làm cho đời sống văn hóa đọc nước ta ngày càng phong phú.

Mặc dù Luật Xuất bản lần này đã có những chỉnh sửa mở rộng hơn, nhưng việc không cho phép tư nhân tham gia vào tổ chức xuất bản đã thu hẹp chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường và xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Việc yêu cầu đối tác liên kết phải có bộ phận biên tập gồm ít nhất 5 biên tập viên có chứng chỉ theo quy định cũng gây nhiều khó khăn cho các đơn vị liên kết xuất bản, ít nhất trong một thời gian khá dài. Bởi sách cũng là một ngành đặc thù, với từng dòng sách riêng biệt như sách kinh tế, sách văn học, sách thiếu nhi… mà đơn vị xuất bản sẽ mời những người có chuyên môn của từng dòng sách đó biên tập cho phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News: Trong suốt 10 năm qua, các nhà xuất bản, những người làm sách chân chính, các tác giả… luôn là những người chịu gian nan nhất trong công cuộc chống sách lậu. Rất mừng là lần này Quốc hội đã thông qua và đưa điều khoản “truy cứu trách nhiệm hình sự” vào Điều 11 “Xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản”. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn vì luật quy định vẫn chưa rõ ràng, mà: “… tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chánh hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự…”. Ở mức độ nào là xử phạt hành chánh, ở mức độ nào là truy cứu trách nhiệm hình sự? Đề nghị nên có những văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể về điều khoản này để các nhà xuất bản, tác giả, cũng như những người làm sách có thêm động lực trong công cuộc chống sách lậu và để luật thực sự có tác dụng răn đe, trấn áp đối với những kẻ toan tính làm những điều xấu.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục