Từ “nhạc nhái” đến “phim nhái”, “trò chơi nhái”

Nền âm nhạc của chúng ta phát triển rực rỡ và bền vững trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, những nhạc phẩm Việt Nam đã đồng hành và cổ vũ triệu triệu lớp thanh niên lên đường chiến đấu chống quân thù.

Ở đô thị miền Nam có phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe, Tiếng hát những đêm không ngủ, Nối vòng tay lớn; trong khi ngoài tiền tuyến có Tiếng hát át tiếng bom. Chúng ta tự hào về nhiều thế hệ nhạc sĩ tài ba và đức độ, tâm huyết và ân tình đã sáng tác không mệt mỏi vì độc lập của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Họ có nguồn cảm hứng dồi dào, có trách nhiệm cao với cộng đồng và thiết tha với nghề nghiệp.

Ngày nay, bên cạnh số đông những nhạc sĩ tâm huyết sáng tác âm nhạc vẫn miệt mài làm việc để lại hương thơm cho đời, thì tiếc thay lại xuất hiện những người viết “nhạc nhái”! Họ copy có khi đến 80% nhạc của người khác, hoặc chép lại nhạc nước ngoài làm sáng tác của mình mà dư luận thường gọi là “nhạc nhái”.

Cá biệt có nhạc sĩ tên tuổi nhưng vẫn “lỡ” ghi tên mình vào bản nhạc người khác mà không cảm thấy mắc cỡ với lương tâm. Tất nhiên họ đã và đang bị trả giá. Tiếp đến, một ít nhà làm phim bắt đầu nhái kiểu cách làm phim của nước ngoài mà không cần tư duy sáng tạo.

Đáng nói hơn, họ lấy kịch bản nước ngoài, biên tập lại chút đỉnh, đôi khi còn để nguyên sự thô thiển hoặc không phù hợp lắm với phong tục tập quán Việt Nam rồi vác loại “phim nhái” ra trình chiếu, bị dư luận phê bình. Và gần đây, có người còn tính cả đến chuyện “tiết kiệm” chất xám, lười sáng tạo, ôm luôn kịch bản trò chơi của một nước ở châu Á, cải tiến lại đôi chút để xin tài trợ và thực hiện sản xuất chương trình. Có nên gọi đó là “trò chơi nhái”?

Thiết tưởng trong thời đại mở rộng giao lưu văn hóa và hội nhập, chúng ta cần tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo dựng, tôn vinh bản sắc văn hóa Việt Nam, nhưng là tiếp thu có chọn lọc theo định hướng rõ ràng. Cần khẳng định trong kho tàng dân gian Việt Nam có biết bao câu chuyện cảm động, biết bao sự tích anh hùng, những trò chơi dân gian lý thú mà những nhà văn của chúng ta hoàn toàn có thể chuyển thể thành kịch bản phim, thành những trò chơi dân gian hấp dẫn, thú vị.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời từng nói với các văn nghệ sĩ rằng, trước đây có ai ghi hết được những sự tích anh hùng trong một ngày kháng chiến, ngày nay có ai đếm hết được những việc làm tốt đẹp trong cuộc sống ở nước ta.

Những nhà văn, biên kịch, nhạc sĩ Việt Nam được đánh giá là có tâm và có tầm ngang hoặc hơn các nước trong khu vực. Nếu được quan tâm đầu tư đúng hướng và hợp lý, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng tình trạng “nhạc nhái”, “phim nhái”, “trò chơi nhái” không thể tồn tại trước một trào lưu sáng tác với nghị lực dồi dào, ý tưởng phong phú của đội ngũ những người tâm huyết và miệt mài lao động trí tuệ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật của chúng ta.

XUÂN THÁI

Tin cùng chuyên mục