
“…Không bao giờ mình có thể thấm thía hết những nỗi đau, sự mất mát mà chiến tranh gây ra cho đất nước mình. Nhưng tuổi mình đang rất xanh, đường mình đi đang rộng lớn… Đất nước không cần mình cầm súng nữa mà đòi hỏi mình phải có tri thức, năng lực và sức trẻ để chiến đấu…”
Tôi đã đọc rất nhiều dòng nhật ký “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của các thầy giáo, cô giáo tương lai ở Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Đó là những dòng chữ xuất phát từ cảm xúc chân thành nhưng đầy niềm tin vào tương lai. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã đến với sinh viên từ những quyển nhật ký và những cuộc vận động nhỏ...
Nhật ký làm theo lời Bác
Trong “Nhật ký làm theo lời Bác” của mình, cô sinh viên Phạm Thị Khánh Chi (khoa Toán - Tin) viết: “Hôm nay, mình thấy hơi buồn. Nhìn đám bạn khoe nhau những chiếc áo mới còn mình thì quanh năm chỉ có mỗi mấy cái quần tây, áo trắng. Cũng phải thôi, nhà tụi nó khá giả, còn nhà mình một mẹ nuôi ba con ăn học.
À, mình nhớ một câu chuyện về Bác. Bác có một đôi dép làm từ chiếc lốp ô tô nhưng dùng đến hơn 11 năm. Mỗi khi ai đó khuyên bác nên đổi dép, Bác đều từ chối: “Mua một đôi dép chả đáng là bao nhưng khi chưa cần thiết cũng chưa nên. Ta phải biết tiết kiệm vì đất nước ta còn nghèo”. Tôi chợt nghẹn ngào, phải chăng mình đã sai, đòi hỏi quá nhiều khi mẹ ngày đêm vất vả nuôi mình ăn học? Cháu cảm ơn bài học của Bác, cháu sẽ sống xứng đáng vì sự hy sinh của mẹ…”.

Những quyển nhật ký làm theo lời Bác của sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM.
“Sáng thứ hai hàng tuần, trường mình đều tổ chức chào cờ. Kể ra thật xấu hổ, vì mình thường xuyên dự lễ chào cờ trễ do ngủ quên. Tuần này, mình không muốn lặp lại việc đó nên đã đặt đồng hồ báo thức sớm hơn hàng ngày nửa tiếng.
Những buổi chào cờ như thế này khiến mình rất hứng khởi trong học tập. Mỗi lần đứng trước cờ, hát quốc ca là mỗi lần mình tự nhủ: Phải cố gắng thật nhiều”. Trần Thị Hồng Vân (sinh viên khoa Giáo dục Mầm non) đã chia sẻ cảm nhận của mình khi dự những buổi chào cờ hàng tuần ở trường qua những trang nhật ký.
Còn với Nguyễn Thị Mỹ Trang (sinh viên khoa Giáo dục Chính trị) thì chỉ khi có thật nhiều cảm xúc, cô mới đặt bút viết vào quyển nhật ký của mình. Sau khi đọc bức thư của Bác “Gửi họ Nguyễn Sinh” gửi đến những người thân, vì Bác không có thời gian về quê dự đám giỗ của người anh ruột do bận trăm công nghìn việc, cùng lúc với tâm trạng của một sinh viên đi học xa nhà, Mỹ Trang đã chia sẻ ngắn gọn trong nhật ký: “Bác ơi, con thương Bác lắm, con sẽ cố gắng, cố gắng hơn nữa…”.
Nguyễn Thị Mỹ Linh (sinh viên khoa Giáo dục Tiểu học) lại nghĩ về Bác, học tập Bác bằng cách khác: “Không thể quên những câu chuyện kể của ông về Bác Hồ, rất giản dị nhưng lại gieo vào lòng mình niềm kính yêu vô bờ như những hạt phù sa mà nước ngọt đã vun cho hạt giống nảy mầm, vươn lên, đứng thẳng và vững vàng trước thử thách. Mình đã tự hứa, sẽ sống và làm như mình nghĩ- suy nghĩ từ những câu chuyện về Bác”.
“Học tập” từ những cuộc vận động nhỏ...
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở Trường ĐH Sư phạm TPHCM chính thức được phát động từ tháng 9 năm 2007. Ngoài việc tổ chức hội thi tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đoàn TNCS trường đã triển khai việc viết nhật ký đến đoàn viên thanh niên và đã thu được những kết quả khả quan.
Tại các nhóm Trung kiên (nhóm tập trung các đảng viên và cảm tình đảng tại các khoa), cuộc vận động được triển khai sâu rộng. Ngoài việc phát động viết Nhật ký làm theo lời Bác, trong những buổi sinh hoạt của mình, thành viên các nhóm Trung kiên còn tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề tìm hiểu về cuộc đời và tư tưởng của Bác qua chính những tác phẩm viết về Bác và do Bác viết.
Tuy nhiên, điều cốt lõi từ cuộc vận động này ở Trường ĐH Sư phạm là từ cuộc vận động lớn, nhiều cuộc vận động nhỏ khác mang tính đặc thù với sinh viên sư phạm cũng đã được tổ chức. Với sinh viên sư phạm, cuộc vận động “Nghiêm túc trong thi cử” noi gương Bác được thực hiện nghiêm túc và thường xuyên.
Chị Phương Diễm Hương, Bí thư Đoàn trường nói: “Cuộc vận động không đơn thuần chỉ là lời kêu gọi sáo rỗng mà phải đi vào đời sống đích thực của sinh viên. Với chúng tôi, những cuộc vận động nhỏ như “Nghiêm túc trong thi cử” hay “Yêu nghề nghiệp” chính là những phẩm chất bắt buộc phải có đối với những thầy cô giáo tương lai. Nếu không thực hiện được, làm sao đứng vững trên bục giảng? Chính những cuộc vận động nhỏ này đã đi vào ý thức của sinh viên sư phạm. Có thể ngay lập tức, sinh viên chưa “hiểu” ngay nhưng chắc chắn mưa dầm thấm lâu…”.
Với sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Trang thì ngoài thực hiện Nhật ký làm theo lời Bác và thực hiện nghiêm túc các cuộc vận động nhỏ do trường phát động thì việc thông qua những lần thực tập giảng dạy tại các trường học, bằng những bài học môn Giáo dục công dân, Trang đã truyền thụ cho học sinh những suy nghĩ của mình qua việc học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Theo Trang: “Học tập tấm gương của Bác không cần phải bằng những hành động lớn lao, mà phải từ những cái nhỏ nhất qua chính con người- đạo đức của Bác”.
THẠCH THẢO