Tủ sách Lời trái tim - Cần quy định lứa tuổi

Được chia làm 5 cấp độ cảm xúc, từ đam mê, quyến rũ, ngọt ngào, nóng bỏng và nghẹt thở… mà ngay ở cấp độ 1 là Đam mê, tủ sách Lời trái tim đã khiến cho độc giả, kể cả những người đã có gia đình, chỉ xem qua đã cảm thấy gờn gợn. Thế nhưng với ông Vũ Việt Dũng, Giám đốc Công ty IPM, đơn vị liên kết xuất bản cuốn sách này lại khẳng định các dịch giả của tủ sách đã “tiết chế” trong việc chuyển ngữ…
Tủ sách Lời trái tim - Cần quy định lứa tuổi

Được chia làm 5 cấp độ cảm xúc, từ đam mê, quyến rũ, ngọt ngào, nóng bỏng và nghẹt thở… mà ngay ở cấp độ 1 là Đam mê, tủ sách Lời trái tim đã khiến cho độc giả, kể cả những người đã có gia đình, chỉ xem qua đã cảm thấy gờn gợn. Thế nhưng với ông Vũ Việt Dũng, Giám đốc Công ty IPM, đơn vị liên kết xuất bản cuốn sách này lại khẳng định các dịch giả của tủ sách đã “tiết chế” trong việc chuyển ngữ…

  • Dịch giả đã “tiết chế” cảnh “yêu đương”?

* PV: Với căn cứ nào mà tủ sách lại chia ra 5 cấp độ cảm xúc như vậy?

* Ông VŨ VIỆT DŨNG: Việc chia tủ sách thành các dòng (Categories) được dựa trên các cấp độ cảm xúc và kết cấu, bối cảnh đặc trưng của từng dòng tác phẩm. Việc này là một phần trong kế hoạch xuất bản của Harlequin và họ đã có 16 dòng khác nhau, trong đó IPM mới lựa chọn 5 dòng để giới thiệu với độc giả Việt Nam.

* Dự tính xuất bản hàng tháng, vậy quỹ sách dịch của tủ được bao nhiêu cuốn? Đội ngũ biên dịch bao nhiêu người và kinh nghiệm của họ trong việc chuyển ngữ văn học nước ngoài?

Độc giả chọn xem những đầu sách dịch trong tủ sách.

Độc giả chọn xem những đầu sách dịch trong tủ sách.

* Với việc ký hợp đồng hợp tác toàn diện với Nhà Xuất bản Harlequin (Mỹ), chúng tôi được tiếp cận với toàn bộ các bản thảo đã và sắp xuất bản của họ, do đó số lượng bản thảo có thể sử dụng là rất lớn (khoảng hơn 30.000 bản thảo). Đội ngũ biên dịch của tủ sách hiện có khoảng 20 người chủ yếu là các bạn trẻ có kiến thức chuyển ngữ cũng như đam mê văn học, đặc biệt là văn học lãng mạn.

* Những cuốn sách của tủ đã xuất bản như “Như điều em muốn”, “Men rượu men tình”… quá lạm dụng mô tả cảnh phòng the. Đây là xu hướng, là chiêu phát hành của tủ sách?

* Đối với các độc giả hâm mộ các tiểu thuyết lãng mạn của thế giới, đặc biệt là các tác phẩm với bối cảnh hiện đại, việc xuất hiện các cảnh “yêu đương” trong tác phẩm là điều hết sức bình thường, vì thực chất đó là một phần trong kết cấu của câu chuyện. Do đó chúng tôi hoàn toàn không coi các yếu tố này là “chiêu” mà thậm chí còn yêu cầu các dịch giả tiết chế khi dịch để vẫn đảm bảo nội dung mà vẫn không gây phản cảm đối với độc giả.

* Với những trường đoạn nhạy cảm và xuất hiện khá nhiều trong sách của tủ sách này, rất không phù hợp với độc giả là thiếu nhi, tuổi mới lớn… vậy IPM có động thái gì để nhắc nhở người đọc?

* Theo quan điểm cá nhân của chúng tôi, việc đánh dấu sản phẩm theo độ tuổi (kiểu 16+) không có nhiều hiệu quả nếu muốn giữ cho các em nhỏ không tiếp cận đến các thông tin nhạy cảm, đặc biệt trong thời đại Internet bùng nổ như hiện nay, nếu không muốn nói đôi khi lại có hiệu quả ngược. Do đó đối với các sản phẩm của IPM, chúng tôi chủ yếu tập trung giới thiệu để các đơn vị phát hành nắm rõ được đối tượng khách hàng mục tiêu cũng như qua các hoạt động truyền thông để giới thiệu các tác phẩm tới nhóm khách hàng mục tiêu phù hợp. 

MAI HOÀNG


Cần có chế tài nghiêm khắc

* Là một nhà văn định cư lâu năm tại Đức, anh nhận định thế nào về sự tuân thủ của bạn đọc khi lựa chọn các tác phẩm sách theo lứa tuổi?

* Nhà văn NGUYỄN VĂN THỌ: Tôi có con gái 15 tuổi sống ở Đức, quan sát nó bao nhiêu năm thấy chưa khi nào cầm trong tay một cuốn sách hay xem một phim cấm ở lứa tuổi. Cả người bán hàng và người mua hàng đều rất có ý thức về quyền và phạm vi cho phép của mình. Ví dụ như cấm trẻ mua thuốc lá hay vào rạp xem phim dành cho người lớn… chẳng hạn. Nếu thấy nghi ngờ về độ tuổi người bán hàng bắt phải trình thẻ để chứng minh tuổi trước khi trao hàng.

* Ở nhiều nước tiên tiến, việc phân định sách 15+ hay 18+ rất rõ ràng, và người mua và bán sách phải thực hiện. Vậy ở ta phải làm sao là tốt nhất?

* Cái gốc từ giáo dục và có lẽ phải thử nghiệm, bắt đầu từ việc giáo dục trong nhà trường và có những quy định chế tài ngặt nghèo. Bởi cách sống của người ta trong xã hội nhiều khi như thói quen mà hình thành một lối sống có luật pháp, có đạo đức. Theo tôi nên làm và song hành với việc hướng dẫn người dân ý thức được việc ở tuổi nào nên đọc sách gì, không nên đọc những thứ không dành cho lứa tuổi của mình. Bên cạnh đó, cũng cần có hệ thống luật lệ nghiêm khắc và chi tiết về vấn đề này
 

Sẽ kiểm tra và yêu cầu ghi chú sách cho từng lứa tuổi

Ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục Xuất bản cho biết do phòng đọc, nơi làm công tác thẩm định sách nộp lưu chiểu của cục mới nhận được sách nên việc đọc và thẩm định sách mới được thực hiện và sẽ có kết quả trong thời gian sớm nhất.

Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, ở nhiều nước luật rất nghiêm, bao giờ cũng ghi sách dành cho lứa tuổi nào rất rõ ràng. Nếu ai bán thuốc lá, hoặc sách không thuộc lứa tuổi cho trẻ em sẽ bị xử phạt rất nặng. Ở Việt Nam cũng đã thông báo nhưng Luật Hình sự thì chưa quy định điều này. Cần phải có quy định ghi chú sách dành cho lứa tuổi.

Riêng đối với truyện tranh, cục đã có văn bản hướng dẫn rất kỹ, những loại truyện tranh dành cho trẻ em, người lớn. Tuy nhiên, với các loại sách khác thì chưa tính đến việc phân loại lứa tuổi độc giả vì cho rằng trẻ em không đọc những loại sách này.

“Trước đây việc quy định sách dành cho lứa tuổi nào cũng đã tính đưa vào Luật Xuất bản, nhưng gặp nhiều ý kiến phản đối vì hành vi này mang nhiều tính thương mại hơn, nên đưa vào Luật Thương mại. Việc sách nào, bán cho lứa tuổi nào nên quy định trong Luật Thương mại và có dẫn chiếu trong Luật Xuất bản. Khi in phải theo Luật Xuất bản ghi rõ sách dành cho đối tượng nào- còn bán thì phải thực hiện theo Luật Thương mại (chỉ được phép bán cho lứa tuổi nào). Trong tuần tới, sẽ có kết quả thẩm định của Cục Xuất bản về một số cuốn sách trong tủ sách Lời trái tim”, ông Kiểm cho biết.

Tin cùng chuyên mục