Cô bạn đồng nghiệp đưa cho tôi cuốn “Như điều em muốn” (tác giả Kate Carlisle, Đào Bạch Liên dịch, Công ty cổ phần và truyền thông IPM và NXB Hội Nhà văn, xuất bản) kèm lời than: “Có mấy mặt con rồi mà đọc quyển này vẫn ngượng đỏ cả mặt”, khiến tôi phải đọc ngay để xem lời nhận xét ấy đúng không.
Kể lể chuyện phòng the
Nội dung câu chuyện chỉ là một cái cớ rất nhạt: công ty của một đại gia tên là Adam “lừng lẫy trên thương trường, trác táng trên tình trường” mua lại khu chung cư trên 100 năm tuổi làm bãi đỗ xe. Đây là nơi 6 gia đình đang sinh sống và họ dự định sẽ đề nghị công nhận khu nhà là di tích. Được sự cổ vũ của 5 gia đình hàng xóm, cô gái Trish xin vào làm nhân viên trong công ty nọ, định trả thù (dù chả biết làm thế nào?). Nhưng khi ngẫu nhiên trở thành thư ký riêng của Adam, ngay trong lần tiếp cận đầu tiên, cả 2 lập tức bị tình yêu sét đánh. Từ đó, trong đầu họ, lúc nào cũng sục sôi nhục dục, chiếm hữu lẫn nhau, lúc thì trên bàn làm việc, khi trên ghế sofa, có cơn hoan lạc kéo dài 2 ngày liền!...
Những tình tiết dẫn dụ câu chuyện đầy phi lý, không đủ sức thuyết phục, chỉ là cái cớ cho việc miêu tả chi tiết những lần hoan lạc của đôi trai gái. Và đây không phải là một trường hợp riêng lẻ của “Như điều em muốn” mà cả 3 cuốn sách cùng thuộc tủ sách “Lời trái tim” được ra mắt và phát tặng cho khách mời trong lễ ra mắt tủ sách này đều có nội dung tương tự.
Tủ sách dành cho nữ giới?
Trong buổi ra mắt báo giới, tủ sách “Lời trái tim” được giới thiệu trịnh trọng là một “tác phẩm văn học lãng mạn”! Tại đây, nhiều thông tin được Công ty IPM đưa ra để chứng minh sức sống của tiểu thuyết lãng mạn với dẫn chứng “…ngay trong thời buổi kinh tế đang phải thắt lưng buộc bụng như hiện nay thì vẫn có 10 mặt hàng luôn tăng vùn vụt về doanh thu. Đứng đầu danh sách đó là 3 món: hạt giống, bao cao su và tiểu thuyết lãng mạn”.
Đại diện Công ty IPM cho biết, nhu cầu ngày càng lớn của độc giả đối với tiểu thuyết lãng mạn là yếu tố khiến họ ra mắt tủ sách “Lời trái tim”. Không hiểu sao khi người ta đánh đồng sex với văn học lãng mạn, để đội cho nó cái mũ mỹ miều với lời tán dương “lần đầu tiên trên thị trường xuất bản Việt Nam có một tủ sách chuyên biệt về tiểu thuyết lãng mạn, điểm trúng tâm lý mơ mộng và nhu cầu đọc giải trí nhẹ nhàng của mọi đối tượng phụ nữ”.
Những cuốn sách như thế này sẽ mang lại điều gì ích lợi cho người đọc, nhất là khi lại xuất hiện với tần suất dày đặc? Không hiểu vì lý do gì, NXB Hội Nhà văn, vốn là một thương hiệu gắn liền với những tác phẩm văn học có giá trị đích thực, bỗng cho ra đời hết “Sợi xích”, lại đến “Như điều em muốn”, “Men rượu men tình”… và cả một tủ sách ra hàng tháng với nhiều câu chuyện có cùng cách thể hiện. Có lẽ cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản và đơn vị thẩm định tác phẩm cần kiểm tra và có ý kiến về tủ sách này.
Mai Hoàng