Với cuốn sách này, TS Robinson giúp độc giả trả lời 3 câu hỏi quan trọng: Tại sao cần phải thúc đẩy sự sáng tạo trong giáo dục cũng như các tổ chức; Tại sao nhiều người nghĩ rằng họ không sáng tạo; Các công ty, trường học và tổ chức có thể làm gì để phát triển sự sáng tạo và đổi mới một cách có chủ đích và có hệ thống?
Trong những chương đầu của cuốn sách, TS Robinson định nghĩa sự sáng tạo và chứng minh tầm quan trọng của nó đối với khả năng thích ứng của mỗi tổ chức, cá nhân trong một thế giới ngày càng phức tạp và luôn thay đổi.
Ông nhấn mạnh rằng, đời sống kinh tế - xã hội đang thay đổi nhanh chóng bởi sự phát triển công nghệ và sự gia tăng dân số, đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức cần có khả năng suy nghĩ khác biệt, sáng tạo hơn. Và chìa khóa sáng tạo thành công là giáo dục, học tập.
Thực tế, công nghệ được tìm thấy trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống và đang được sử dụng theo những cách mong muốn cũng như không mong muốn. Vì công nghệ nhiều người bị ràng buộc với dòng thông tin 24/7. Nhưng cũng nhờ công nghệ mọi người đều có cơ hội học hỏi từ bất kỳ ai, bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu.
Tuy nhiên, ở hầu hết các trường học, việc tiếp cận với công nghệ và thông tin bị hạn chế rất nhiều; trường học đang bám víu vào một quá khứ không còn phù hợp nữa.
Bên cạnh đó, việc học về nghệ thuật, ngôn ngữ, âm nhạc và các môn sáng tạo khác khi còn trẻ (trong khi não bộ vẫn còn linh hoạt và đang phát triển các kết nối, sẽ giúp phát triển toàn diện hai não bộ, kích thích sự sáng tạo phát triển) lại không được các trường học khuyến khích…
Ông nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đều có năng lực sáng tạo nhưng rất nhiều người kết luận rằng họ không sáng tạo, trong khi sự thật là họ chưa bao giờ học về sáng tạo và thực hành những gì liên quan. điều quan trọng là phải tìm ra một phương tiện làm lối thoát cho sự sáng tạo”.
Để phát triển sự sáng tạo, TS đề xuất giải pháp cho lĩnh vực giáo dục cũng như giải pháp riêng cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Với giáo dục, TS Robinson cho rằng, các quốc gia, liên bang cần một hệ thống giáo dục cập nhật phục vụ hiện tại và tương lai, có thể đào tạo được “những con người chu đáo, tự tin và sáng tạo đúng như xã hội cần”. Hệ thống giáo dục nên cho các cá nhân tiếp xúc với nhiều chủ đề để giúp họ tìm ra thế mạnh của mình thay vì tiếp tục thu hẹp phạm vi, từ chối các cá nhân cơ hội để sống với tiềm năng thực sự và đầy đủ của họ.
Với các tổ chức, doanh nghiệp muốn phát triển năng lực sáng tạo của nhân sự, thì lãnh đạo tổ chức phải là người thiết lập và dẫn dắt quá trình sáng tạo. Đây chính là điều đầu tiên tổ chức doanh nghiệp cần có. Tiếp theo, cần phải khuyến khích được niềm đam mê của nhân sự. Nhân viên phải được giao những nhiệm vụ đầy thách thức để giúp họ phát triển.
Sự hợp tác cũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình sáng tạo. Bởi một ý tưởng độc đáo hiếm khi được phát triển mà không có sự đóng góp và ảnh hưởng của những người khác.
Robinson đã liệt kê một số tập đoàn cho phép nhân viên từ các ngành khác nhau tham gia vào quá trình sáng tạo, hoặc một số tập đoàn có các trường đại học riêng nhằm mục đích cho nhân viên tiếp xúc với những ý tưởng mới từ các sinh viên trẻ tuổi.
Ông nhấn mạnh rằng doanh nghiệp/tổ chức phải thuê những người đa dạng và phải biết cách khai thác sự đa dạng của các suy nghĩ đó.
Và rất nhiều giải pháp hữu ích khác. Những chiến lược nhằm thúc đẩy sự sáng tạo một cách có hệ thống trong giáo dục cũng như kinh doanh đã được TS Robinson đề xuất và áp dụng cho nhiều quốc gia như Vương quốc Anh, Bắc Ireland, Singapore cũng như nhiều bang của Hoa Kỳ.
Cuốn sách "Từ tâm trí - Sức mạnh của sự sáng tạo" vì vậy đặc biệt phù hợp với các nhà lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, các chuyên gia hoạch định chính sách thuộc các cơ quan, ban ngành chức năng của chính phủ trong việc phát triển khả năng đổi mới sáng tạo kinh tế và giáo dục.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo muốn phát triển văn hóa sáng tạo, đổi mới trong tổ chức của mình cũng rất nên tìm hiểu cuốn sách. Đây cũng là cuốn sách hữu ích đối với tất cả các thầy cô giáo của như các bậc cha mẹ học sinh nếu muốn nắm bắt, từ đó lựa chọn được xu thế, con đường giáo dục tốt nhất cho con em mình.