Tư vấn học đường - Lợi ích đôi đường

Tư vấn học đường - Lợi ích đôi đường

Theo Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM, trong năm học 2011-2012, mạng lưới tư vấn học đường sẽ được phủ kín ở các trường. Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn nhiều trường thiếu cơ sở vật chất lẫn đội ngũ nhân viên chuyên về tâm lý giáo dục nên việc triển khai mục tiêu chăm sóc tinh thần, tháo gỡ vướng mắc cho học sinh các cấp vẫn mang tính chắp vá.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn tư vấn cho học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến huyện Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: T.L.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn tư vấn cho học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến huyện Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: T.L.

Có khoảng 2.000 học sinh theo học nhưng trước đây Trường THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình TPHCM, chưa có giáo viên tâm lý học đường. Chính vì thế, khi phát sinh nhu cầu cần tâm sự, giãi bày chuyện riêng tư, các em không biết gõ cửa nơi nào. Giáo viên chủ nhiệm thì bận bịu, ít có thời gian dành cho từng em và đôi khi các em cũng ngại nếu thầy cô cứng nhắc, thiếu quan tâm.

Thực hiện chủ trương phải thiết lập phòng tư vấn học đường, từ năm học 2011-2012, trường đã bố trí một giáo viên tâm lý học đường. Tuy nhiên, do chưa có phòng tư vấn riêng biệt nên cô và trò muốn tâm sự phải mượn tạm phòng giám thị.

Cô Tường Vy, giáo viên phụ trách vấn đề này, cho biết: “Do hoạt động này mới được triển khai từ năm học 2011 nên nhiều học sinh còn chưa quen và chưa dám bày tỏ tâm tư, bức xúc liên quan đến học đường, quan hệ bạn bè… Tuy nhiên, một số em đã tìm đến chúng tôi nhỏ to tâm sự. Nhờ vậy nhà trường biết rõ thêm hoàn cảnh gia đình của một số em có cha mẹ sắp ly dị hoặc đã ly dị. Một số khác thì nhờ tư vấn về vấn đề phát sinh tình cảm mới lớn, định hướng tương lai, nghề nghiệp sao cho phù hợp. Cũng có em nhờ nhà trường tư vấn lại với cha mẹ mình để họ không bắt các em phải học thêm quá sức hoặc chọn thi vào những ngành học không ưa thích…”.

Theo cô Tường Vy, không chỉ trực tiếp tư vấn, trao đổi thông tin, các em còn có thể gởi email, thư tay đến phòng tư vấn để được tư vấn riêng. Tuy còn mới mẻ nhưng nhờ đồng hành, can thiệp và tư vấn tâm lý kịp thời, môi trường học tập, vui chơi ở Trường Thái Bình không xảy ra những chuyện đáng tiếc.

Tương tự, Trường THPT Lê Quý Đôn cũng cử 4 giáo viên phụ trách vấn đề này, trong đó có 1 giáo viên chuyên trách về vấn đề tâm lý học đường.

Theo cô Thi Thị Thu Lan, giáo viên môn văn-phụ trách tâm lý học đường, công tác này bao gồm cả việc tư vấn tâm lý và trắc nghiệm hướng nghiệp cho học sinh. Với phương châm giáo dục thân thiện, nhà trường tạo điều kiện cho học sinh được bày tỏ suy nghĩ và phản ánh những điều các em cảm thấy chưa hài lòng. Vì thế, có một số học sinh đã tìm đến phòng tư vấn phản ánh việc các em bị áp lực học hành đè nặng là do gia đình quá kỳ vọng vào con cái.

“Để khuyến khích các em bày tỏ tâm sự, chúng tôi luôn lắng nghe, chia sẻ và cố gắng giúp các em giảm bớt áp lực lẫn sự hoang mang lo lắng nếu có” - cô Lan bộc bạch.

Sau khi xảy ra sự cố đáng tiếc về việc học sinh đánh nhau và một học sinh đã bị dân quân phường đánh trọng thương, Trường THCS Trần Phú thấm thía bài học đau buồn này và luôn coi trọng hoạt động tâm lý học đường.

Thầy Nguyễn Thành Văn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường đã dành một phòng riêng cho hoạt động này và có gắn thùng thư, địa chỉ email, blog để các em có thể chia sẻ, phản ánh tất cả những gì bức xúc cần thổ lộ. Ngoài cầu nối là giáo viên chủ nhiệm sẵn sàng chia sẻ, gỡ rối nỗi niềm của các em, hộp thư điện tử sẽ giúp các em thoải mái nói những điều cần nói, cần tâm sự. Qua những phản ánh, tâm sự của các em, chúng tôi không chỉ hiểu các em hơn mà còn can thiệp, xử lý ngay những vấn đề phát sinh ở môi trường học đường”.

Thực hiện mục tiêu của ngành giáo dục TPHCM về thiết lập và phủ kín mạng lưới tư vấn học đường, trong năm học này, nhiều trường đã cố gắng lập phòng tư vấn và cắt cử giáo viên, giám thị phụ trách.

Tư vấn học đường - Lợi ích đôi đường ảnh 2

Học sinh trung học phổ thông có nhiều vấn đề cần chia sẻ với người lớn.

Tuy nhiên, do cơ sở vật chất chật hẹp, phòng học còn chưa đủ nên nhiều trường ở các quận nội thành và quận ven, ngoại thành như Gò Vấp, Củ Chi, Bình Chánh phải gắn hoạt động này chung với phòng giám thị hoặc phòng y tế. Chính vì thiếu cơ sở vật chất và thiếu đội ngũ giáo viên chuyên về tâm lý học đường nên có nơi chỉ dừng ở bước khởi động, hoạt động chưa hiệu quả.
HÀ ANH

Tin cùng chuyên mục